Tin học hóa các ngành KT - XH thời… “vừa đi, vừa dò”
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với xuất phát điểm gần như ở con số 0, công cuộc tin học hóa các ngành KT - XH trọng điểm đã phát triển đáng kể trong 2 thập kỷ qua, góp phần làm biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp CNTT “nội”, như FPT, HiPT, CMC... giữ vai trò quan trọng.
Từ bước đi đầu tiên…
Một trong những ngành kinh tế nhà nước tham gia quá trình tin học hóa từ rất sớm là hàng không. Vào cuối năm 1990, khi nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không trong nước còn thấp, Vietnam Airlines vẫn mạnh dạn đầu tư vào hệ thống tự động hóa phòng vé máy bay để nâng cấp chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Doanh nghiệp CNTT tiên phong thực hiện hợp đồng tin học hóa này là một doanh nghiệp trong nước, khi đó vừa thành lập được 2 năm là FPT.
Thành công với hợp đồng thương mại này không chỉ giúp FPT tiến bước đi đầu tiên trên con đường trở thành công ty có đóng góp sâu rộng nhất trong việc mang công nghệ hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả cho các ngành kinh tế xã hội quốc gia như ngày nay, mà còn tạo động lực để nhiều ngành KT - XH khác bắt đầu tiếp cận với ứng dụng CNTT.
Tiếp sau đó, xuất phát từ nhu cầu bức bách cần hội nhập, ngành ngân hàng cũng đã nhanh nhạy thực hiện tin học hóa ngành vào năm 1992 với phần mềm SIBA của FPT. Tuy chỉ dừng ở mức tự động hóa hoạt động giới hạn trong một chi nhánh thuộc ngân hàng Hàng hải, nhưng đây là cơ sở để FPT phát triển hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) đầu tiên và triển khai tại Vietcombank năm 1995.
Sau ngân hàng, lần lượt vào năm 1995 và 1997, ngành Thuế và ngành Hải quan bắt đầu tham gia tin học hóa từng phần nhằm thay thế phương pháp làm việc thủ công trước đó. Viện CNTT và FPT là những đơn vị đã đồng hành cùng 2 ngành này từ những ngày đầu tiên, với các sản phẩm như phần mềm quản lý thuế công thương, thuế nông nghiệp, hệ thống thông quan điện tử...
Các lĩnh vực khác như y tế và hành chính công - những ngành liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội cũng ứng dụng CNTT “nội” vào quản lý từ khá sớm, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian... Đơn cử như hệ thống chính quyền điện tử (FPT.eGov) lần đầu tiên được triển khai vào năm 1997 tại Quận 1, TP.HCM; hệ thống quản lý tổng thể (FPT.eHospital) được bệnh viện Triều An (TP.HCM) áp dụng sớm nhất vào năm 1998.
… đến những thay đổi toàn xã hội mang “dấu ấn” công nghệ
Theo ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Tích hợp hệ thống FPT (thuộc tập đoàn FPT): “Ngày nay, nếu bỏ CNTT ra khỏi cơ cấu hoạt động thì rất nhiều ngành, lĩnh vực sẽ phải ngừng hoạt động. Ngành ngân hàng, chứng khoán nếu bỏ ứng dụng CNTT sẽ dừng giao dịch, ngành hàng không nếu bỏ sẽ ngừng hoạt động bán vé - mua vé, ngành viễn thông sẽ không thể tính tiền hay thu cước được…”.
Có thể thấy rõ sự khác biệt lớn nếu so sánh ngành ngân hàng trước và sau khi ứng dụng CNTT. Nếu trước đây, khách hàng gửi tiền ở chi nhánh nào, khi rút tiền phải về đúng chi nhánh đó, thì nay người dân đã có thể gửi và rút ở bất kỳ chi nhánh nào thuộc ngân hàng đăng ký.
Hay việc chuyển tiền trước kia có thể mất hàng tuần, nhưng hiện tại giao dịch này chỉ cần vài giây nếu tài khoản đi và đích là cùng ngân hàng, hoặc mất vài tiếng nếu chuyển liên ngân hàng.
Trong ngành y tế, lợi ích mà CNTT mang lại còn lớn hơn nhiều. Theo đó, các khâu làm việc trước đây phải làm hoàn toàn thủ công bằng tay, như quản lý hồ sơ bệnh án, in toa thuốc, làm thủ tục viện phí, làm công tác thống kê – báo cáo…, nay được tinh giản một cách tối đa thông qua hệ thống máy tính hỗ trợ. Nhờ vậy, vẫn ngần ấy diện tích mặt sàn, vẫn số bác sĩ, thiết bị, máy móc ấy, lượng bệnh nhân thì ngày một tăng nhưng hiệu quả hoạt động của bệnh viện lại tăng rõ rệt.
Tiêu biểu như kết quả ứng dụng phần mềm quản lý tại 2 bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cần Giuộc, Mộc Hóa, thuộc tỉnh Long An. Thời gian tiếp nhận bệnh nhân của 2 bệnh viện này đã giảm từ 4 phút/người xuống 1 phút/người; Thời gian làm thủ tục viện phí cho bệnh nhân ra viện nhanh hơn 1,5 lần và tính chính xác cao hơn; Thời gian phát thuốc, thu viện phí giảm từ 5 phút/người còn 2 phút/người.…
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, giai đoạn mở đầu quá trình “tin học hóa” nhiều ngành KT – XH quan trọng (1990 – 2000) ở nước ta đã gắn liền với cái tên FPT, đơn vị tiên phong, trực tiếp xây dựng hầu hết những dự án hạ tầng CNTT lớn nhất quốc gia.
Mới đây, để ghi nhận những đóng góp trên, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã diễn giải lại ba chữ viết tắt của tập đoàn FPT là "Forward Pioneering Team" (Tập đoàn quân tiên phong) với mong muốn “sẽ luôn thấy các bạn FPT trong đội ngũ đi đầu”.
Ngoài FPT, trong quá trình phát triển CNTT hơn 20 năm qua phải kể đến vai trò của 1 số doanh nghiệp CNTT “nội” khác, như HiPT, HPT, CMC…
L.Anh