Tín dụng tiêu dùng: Hướng tới mô hình vay chuẩn

Chiếm 6,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, đến nay, nhu cầu vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Bên cạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, sự xuất hiện ngày một nhiều công ty tài chính với phương thức cho vay linh hoạt, dịch vụ đa dạng, đã đáp ứng được một phần không nhỏ nhu cầu vay tiêu dùng hiện nay của người dân.

Lãi suất ngang bằng với nhu cầu

Vay tiêu dùng tín chấp là những giao dịch mà ở đó mỗi bên đều muốn thỏa mãn lợi ích của mình. Trong trường hợp này, người tiêu dùng được hưởng lợi là có ngay hàng hóa, dịch vụ để sử dụng cho dù chưa đủ khả năng tài chính để chi trả và số tiền còn nợ sẽ được trả dần phù hợp với thu nhập của họ.

Ngược lại, họ cũng phải trả giá ngang bằng với nhu cầu có ngay hàng hóa được các ngân hàng hay công ty tài chính đáp ứng, đó là phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ trong hợp đồng cho vay. Và điều mà khách hàng thường đặc biệt quan tâm là lãi suất thường cao hơn so với lãi suất cho vay thế chấp thông thường (vay kinh doanh, mua nhà…) của các ngân hàng thương mại do đây là hình thức cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo).

Hiện nay, tại Việt Nam, người tiêu dùng thường có xu hướng sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính bởi sự nhanh gọn, đơn giản trong thủ tục, sự bao phủ mạng lưới hầu khắp các điểm bán lẻ của các công ty này so với các ngân hàng. Bên cạnh đó, các công ty này cũng hướng đến cho vay tiêu dùng tín chấp ở 3 dòng sản phẩm - dịch vụ rất phổ biến là: Dịch vụ tài chính mua xe máy trả góp, mua điện thoại – điện máy trả góp và dịch vụ cho vay tiền mặt phục vụ các nhu cầu tiêu dùng cá nhân.

Tín dụng tiêu dùng: Hướng tới mô hình vay chuẩn - 1

Với mức lãi suất cho vay dao động từ 1,6-5%/tháng, các công ty tài chính sẽ áp dụng tùy vào từng đối tượng khách hàng thỏa mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay… Điều này có nghĩa, khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ sẽ càng được hưởng lãi suất cho vay ở mức thấp. Các công ty tài chính có kỹ thuật tính lãi suất theo thang điểm rất cụ thể đối với từng khách hàng. Ngoài ra, mức lãi suất còn phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm).

Hướng tới mô hình vay chuẩn

Hiện cho vay tiêu dùng là sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như mua nhà, mua ô tô cho đến các khoản vay nhỏ như vay mua đồ gia dụng, điện thoại, xe máy, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng nhỏ như khám chữa bệnh, du lịch...

Theo một kết quả nghiên cứu, hiện tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP đạt 6,4%; tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Hiện có khoảng gần 16 triệu người là khách hàng tiềm năng, thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.

Mặc dù đã khá thông thoáng về quy định vay vốn nhưng trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại vẫn rất “kén” khách. Bên cạnh tài sản đảm bảo, hầu hết các khách hàng vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại vẫn phải chứng minh thu nhập, ít được vay tín chấp và phải chờ đợi thẩm định hồ sơ rất kỹ càng.

Trong khi đó, tại các công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng lại khá thông thoáng với các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách hàng như vay mua điện thoại, máy tính, xe máy, chi tiêu cá nhân... với những khoản vay thấp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

“Cho vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay quan trọng, vì đây là phân khúc đáp ứng mọi yêu cầu của người dân trong xã hội, từ việc mua sắm, học tập, cưới hỏi, nhà ở, cho đến phương tiện đi lại… Cho vay tiêu dùng giúp người dân có thể chớp thời cơ, đáp ứng nhu cầu ngay tức khắc khi không có điều kiện đáp ứng các chuẩn vay của ngân hàng”, ông Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, người trẻ chiếm tỷ lệ lớn nên nhu cầu vay vốn phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày là rất lớn. Nắm bắt xu hướng này, các công ty tài chính đã liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm cho vay khá tiện ích trong việc tiếp cận vốn, thời gian trả nợ và đặc biệt là lãi suất tương đối phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

P.Anh