1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tín dụng kỳ vọng nửa cuối năm

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay thấp hơn năm trước, song các ngân hàng cho biết, với mặt bằng lãi suất hiện nay, để đạt được chỉ tiêu trên cũng không dễ.

Đẩy vốn cho lĩnh vực ưu tiên

 

Sau khi các NHTM lớn tung ra hàng chục nghìn tỷ đồng vốn cho vay lãi suất ưu đãi, đến nay khi trần lãi suất huy động tiết kiệm về 13%/năm, nhà băng vừa và nhỏ cũng vào cuộc đẩy mạnh vốn ra thị trường.

 

Cụ thể, OCB dành 2.000 tỷ đồng lãi suất thấp hơn 2 - 2,5%/năm so với mức cho vay thông thường của Ngân hàng là 18 - 19%/năm, cho các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu.

 

Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động sẽ là điều kiện tốt để cắt giảm chi phí đầu vào, từ đó mới có thể giảm được lãi suất cho vay.

 

Theo ông Tuấn, với mức lãi suất cho vay hiện nay, khả năng tiếp cận vốn của DN còn hạn chế. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng chưa thể mạnh tay giảm lãi vay khi mà các khoản vốn tiết kiệm lãi suất cao trước đó vẫn chưa tiêu thụ hết.

 

Tín dụng kỳ vọng nửa cuối năm
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dù thấp hơn năm ngoài nhưng cũng khó hoàn thành

 

“Chắc chắn ngân hàng phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cho khách hàng, nhưng không thể làm ngay một lần mà đòi hỏi có lộ trình nhất định”, ông Tuấn nói.

 

Phó tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cũng cho hay, không phải đến thời điểm này mà kể cả trước khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động về 13%/năm, DongA Bank đã điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay. Đồng thời, DongA Bank từng bước cơ cấu lại DN khách hàng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

 

Cũng theo đánh giá của bà Vân, với xu hướng lãi suất được nhận định sẽ giảm dần khi chi phí huy động giảm sẽ là điều kiện tốt cho các nhà sản xuất - kinh doanh tiếp cận vốn vay. Hiện mức lãi suất cho vay tại DongA Bank dao động từ 17,5 - 19%/năm. 

 

Bên cạnh vốn tiền đồng, hiện một số ngân hàng cũng đưa ra gói ưu đãi lãi suất cho DN khi vay ngoại tệ. Tuy nhiên, đối tượng được tiếp cận tín dụng ngoại tệ chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu và cam kết bán lại USD cho ngân hàng sau khi đối tác thanh toán. Chẳng hạn, ACB đưa ra gói 100 triệu USD, lãi vay từ 4 - 4,8%/năm. Đối với tín dụng tiền đồng, bên cạnh cho vay DN, ngân hàng này còn dành 7.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà trả góp…  

 

Đầu ra vẫn khó

 

Trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của nhiều ngân hàng hầu như không tăng trưởng, bởi nguyên nhân chính là mặt bằng lãi suất còn quá cao. Với mức lãi suất hiện nay, DN phải rất cân nhắc khi quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng cũng không dễ chọn được các khách hàng uy tín để đẩy mạnh cho vay. Trong bối cảnh đó, hy vọng lấp đầy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao của các ngân hàng hầu như được dồn vào nửa cuối năm nay khi mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận giảm nhiều hơn so với hiện nay.

 

Trả lời PV, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank chỉ đạt hơn 2% so với cuối năm trước. Trong khi đó, theo sự phân bổ tăng trưởng dư nợ của DongA Bank là 3%/quý (trong 6 tháng đầu năm) và 2 quý còn lại mỗi quý tăng hơn 5%/năm. Vì thế, với đà tăng trưởng dư nợ chậm như hiện nay, DongA Bank đặt kỳ vọng vào mùa kinh doanh cao điểm trong nửa cuối năm 2012, tín dụng sẽ được cải thiện khi lãi suất giảm, nhu cầu vốn của DN tăng. 

 

Tại HDBank, việc hỗ trợ tín dụng cho DN vẫn đang được triển khai, song theo ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng, việc giải ngân còn khá chậm. Các DN đắn đo về lãi suất, còn HDBank cũng phải hạn chế rủi ro nợ xấu.

 

Ông Long cho rằng, với diễn biến thị trường năm 2012, hoạt động cho vay cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với chính sách tín dụng ưu tiên vốn lưu động, xuất nhập khẩu, HDBank sẽ quản lý được dư nợ theo chu kỳ sản xuất - kinh doanh.

 

Còn theo nhận định của Tổng giám đốc OCB, lãi suất sẽ phải giảm dần trong thời gian tới mới có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ tín dụng. Ông Tuấn cho biết, trong 2 tháng vừa qua, dư nợ tín dụng của Ngân hàng hầu như không tăng trưởng do áp lực lãi suất còn cao và mùa kinh doanh cao điểm của DN vừa kết thúc.

 

“Quý IV luôn được xem là thời điểm kinh doanh vốn tốt nhất trong năm. Khi lãi suất được dự báo sẽ giảm dần khi trần huy động từng bước điều chỉnh, các ngân hàng cũng phải có thời gian để tiêu thụ hết vốn huy động lãi suất cao, lúc đó lãi suất cho vay sẽ giảm và tín dụng sẽ phát triển tốt vào nửa cuối năm”, ông Tuấn nói.

 

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm