Tín dụng bất động sản chiếm 28% tổng dư nợ tại TPHCM
(Dân trí) - Tính đến hết tháng 5, tổng dư nợ bất động sản tại TPHCM đạt 992.800 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cuối năm 2023, chiếm 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Ngày 28/6, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, chia sẻ với truyền thông về yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng TPHCM 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Những chuyển biến từ thị trường bất động sản những tháng gần đây và tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh phần nào các yếu tố tác động và xu hướng tăng trưởng thời gian tới trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố.
Tín dụng bất động sản tại TPHCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Theo đó, tháng 3 tín dụng bất động sản tăng 0,96%, tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tiếp tục tăng trưởng 1,15%.
Tổng dư nợ bất động sản sau 5 tháng đạt 992.800 tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Tín dụng phân khúc nhà ở tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp; văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với các phân khúc khác.
Trong đó tín dụng khu chế xuất - khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ, song đã phản ánh xu hướng phát triển của lĩnh vực này và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Ở góc độ quản lý, ông Lệnh cho rằng với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội... sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.