Tin đồn M&A khiến cổ phiếu Sacombank "bốc đầu" xô đổ mọi kỷ lục thanh khoản
(Dân trí) - Cổ phiếu STB tăng trần và khớp lệnh kỷ lục trong bối cảnh trên thị trường hôm 30/3 xuất hiện một số tin đồn liên quan đến ngân hàng này.
Cách đây ít ngày, diễn biến thanh khoản tại cổ phiếu SHB khiến nhiều người ngỡ ngàng thì đến phiên hôm qua (30/3), cổ phiếu STB của Sacombank đã xô đổ mọi kỷ lục để thiết lập một mốc mới về giao dịch trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, trong phiên sáng, STB gần như vẫn đi ngang quanh mốc tham chiếu, thậm chí có lúc giảm giá. Thế nhưng, với pha bứt tốc ở cuối phiên sáng, đến phiên chiều, mã này thực sự "bung nóc".
Lệnh lớn dồn dập đổ vào từ 11h phiên buổi sáng đến khoảng 14h đã đưa thanh khoản STB lên xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu STB ở phiên này ở mức 1.997 tỷ đồng.
STB tăng trần và khớp lệnh kỷ lục trong bối cảnh trên thị trường hôm qua xuất hiện một số tin đồn liên quan đến ngân hàng này, trong đó có tin Sacombank sẽ được mua lại bởi một tập đoàn lớn. Tuy vậy, qua tìm hiểu của Dân trí thì khả năng này khó xảy ra. Bên cạnh đó, một số tin đồn rộ lên từ trước Tết rằng Sacombank đang được thu gom bởi một số nhóm nhà đầu tư.
Về thanh khoản tăng mạnh tại STB trong phiên hôm qua, không loại trừ đây là giao dịch của Ngân hàng Kiên Long. Lãnh đạo Kiên Long từng cho biết sẽ bán toàn bộ cổ phiếu và tất toán nợ vay có liên quan đến Sacombank chậm nhất đến cuối tháng 3 này. Trước đó, Kienlongbank nắm hơn 176 triệu cổ phiếu STB là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một số cá nhân tại ngân hàng và hiện đã quá hạn, phải xử lý.
Cũng tại phiên 30/3, thanh khoản sàn HSX đạt 16.948 tỷ đồng với 780,73 triệu cổ phiếu được giao dịch, tăng so với phiên 29/3. Tuy nhiên, điều thú vị là ở phiên 30/3, tình trạng nghẽn lệnh đã không xảy ra.
HNX có 161,74 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 2.554,4 tỷ đồng; con số này trên UPCoM là 52,3 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch xấp xỉ 782 tỷ đồng,
SHB phiên 30/3 tuy phong độ không ổn định tuy nhiên cuối phiên vẫn đạt được trạng thái tăng trần lên 23.500 đồng, khớp lệnh "khủng" 44,8 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu trong "họ" FLC gần như được "nhuộm tím" hầu hết với diễn biến tăng trần tại ART, ROS, AMD, FLC và HAI. Trong khi đó, KLF cũng tăng tới 7,5% và áp sát mức giá trần 4.400 đồng.
Thanh khoản tại các mã này duy trì mức cao. ART khớp lệnh 10,6 triệu cổ phiếu, KLF khớp 15,4 triệu cổ phiếu; ROS khớp 41,4 triệu cổ phiếu; AMD khớp 14,5 triệu cổ phiếu; FLC khớp 47,9 triệu cổ phiếu và HAI khớp 11,5 triệu cổ phiếu.
Có vẻ như dòng tiền vẫn đang ưu ái nhóm cổ phiếu penny. Nhiều mã đầu cơ "tím ngắt" trong phiên: DLG tăng trần lên 2.300 đồng, khớp hơn 19 triệu đơn vị; HSL, QBS, SBV, TNT, TSC, EVE, EVG, HVH, TEG tăng trần.
Chỉ số VNSML của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ bứt tốc vào phiên chiều và đạt được mức tăng 10,78 điểm tương ứng 0,84% lên 1.291,12 điểm. Trong khi đó, mức tăng của VN-Index là 10,68 điểm tương ứng 0,91% lên 1.186,36 điểm. VN30-Index đồng pha với VN-Index, tăng 10,79 điểm tương ứng 0,91% lên 1.190,86 điểm. HNX-Index tăng 4,98 điểm tương ứng 1,8% lên 281,14 điểm và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm tương ứng 0,14% lên 80,63 điểm.
Mặc dù vẫn còn 351 mã cổ phiếu giảm giá, 12 mã giảm sàn trong phiên hôm qua, nhìn chung thị trường vẫn khả quan với số lượng mã tăng giá là 553 mã, có 71 mã tăng trần.
Trong khi SHB tiếp tục "cân" HNX-Index với mức đóng góp cho chỉ số lên tới 4,35 điểm thì VIC vẫn đóng vai trò trụ chính dẫn dắt thị trường, đóng góp cho mức tăng chung của chỉ số VN-Index tới 3,76 điểm. Cụ thể, VIC tăng mạnh 3,7% lên 117.000 đồng trong ngày hôm qua và có thời điểm được giao dịch ở mức giá 118.600 đồng.
Ngoài ra, MSN cũng tăng mạnh 2,8%; TCH tăng 1,8%; TPB tăng 1,5%; BVH tăng 1,4%: SSI tăng 1,3%; TCB tăng 1,3%; CTG tăng 1%; VPB tăng 1%.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc VN-Index tiếp tục hồi phục với thanh khoản gia tăng cho thấy tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ số đang tiến gần đến vùng 1.190-1.200 điểm, hiện tại vùng này vẫn đang là vùng cản quan trọng đối với thị trường.
Dự kiến, thị trường sẽ tranh chấp mạnh tại vùng 1.190-1.200 điểm trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể nương theo nhịp hồi phục hiện tại để cơ cấu lại danh mục, nhưng tạm thời cần tránh mua đuổi do thị trường chuẩn bị bước vào vùng quan trọng.