Tiêu dùng tăng vọt, sản xuất đình trệ vì nghỉ Tết dài

(Dân trí) - Với hai kỳ nghỉ Tết liền nhau, trong khi hoạt động sản xuất, giao thương đều bị gián đoạn thì những dịch vụ như viễn thông, du lịch và các dịch vụ tiêu dùng khác lại “trúng mùa”, gặt hái doanh thu hàng chục nghìn tỷ.

Tiêu dùng tăng vọt, sản xuất đình trệ vì nghỉ Tết dài - 1

Sau Tết Dương lịch lại tiếp Tết Âm lịch, hoạt động sản xuất bị gián đoạn và ảnh hưởng.


Sản xuất suy giảm

Theo báo cáo cập nhật từ Tổng cục Thống kê, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tương đối dài lại tiếp ngay sau dịp Tết Dương lịch nên sản xuất công nghiệp trong nước và sản xuất hàng hóa ra nước ngoài đều bị ảnh hưởng đáng kể. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%; công nghiệp chế biến giảm 4,2%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 1,2%.

Do đặc trưng sinh hoạt, tiêu dùng của người dân trong tháng Tết nên một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm 2011: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 12,5%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 10,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 9,9%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 9,6%. 

Tính đến 1/1/2012, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 72,7%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 54,8%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 36,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 31,4%. 

Kỳ nghỉ Tết cũng khiến kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01/2012 giảm 28,5% so với tháng trước, ước tính đạt 6,5 tỷ USD.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 39,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 4,2 tỷ USD, giảm 20,8%. 

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng1 giảm so với tháng trước chủ yếu do một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm nhiều. Dệt may giảm 26,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,5%; cao su giảm 31,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 34,5%; thủy sản giảm 39,8%. 

Nếu so với mốc thời gian cùng kỳ năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Một năm nay giảm 11,1%.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cũng giảm 29,5% so với tháng trước, ước tính đạt 6,6 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh nhất là nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất. 

Nhập siêu tháng tháng khởi đầu năm 2012 ước tính 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. 

Tiêu dùng tăng vọt, sản xuất đình trệ vì nghỉ Tết dài - 2
Thói quen của người Việt, dịp Tết là khoảng thời gian tiêu dùng mạnh mẽ nhất (ảnh minh họa).

Dịch vụ, tiêu dùng tiếp đà “phất lên”

Trước hết phải kể đến dịch vụ du lịch, một trong những lĩnh vực ăn nên làm ra nhất trong đợt nghỉ Tết vừa rồi. 

Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến nước ta tháng 01/2012 ước tính đạt 630 .000 lượt người, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là Trung Quốc với 147.700 lượt người, tăng 93,4%; Hàn Quốc đạt 60.600 lượt người, tăng 17%; Mỹ đạt 59.300 lượt người, tăng 26,8%; Nhật Bản đạt 56.900 lượt người, tăng 26,2%; Đài Loan đạt 43.500 lượt người, tăng 65,3%...

Tiếp đến phải kể đến bưu chính viễn thông với số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng ước tính đạt 832.200 thuê bao, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 1/2012 ước 134 triệu thuê bao, tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Số thuê bao internet băng rộng cả nước tính đến cuối tháng 1 ước tính đạt 4,3 triệu thuê bao, tăng 18,7% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet ước tính đạt 33,4 triệu người, tăng 22,6% so với cùng thời điểm năm 2011. 

Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông tháng 1 ước tính đạt 11.100 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Thời điểm Tết cũng đánh dấu thời kỳ mua sắm sôi động nhất trong năm của người dân Việt Nam.

Thống kê về tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cho thấy, trong tháng 1ước tính đạt 191.100 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 4%, thấp hơn mức tăng 8,7% của tháng Tết năm trước do nền kinh tế năm 
2011 gặp nhiều khó khăn. 

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng tại khu vực phía Bắc gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 48 tỷ đồng.

Bích Diệp