1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiết lộ thưởng Tết doanh nghiệp dệt may: Thấp 1 tháng, cao vài tháng lương

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Mặc dù năm 2020 rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn có mức thưởng Tết bình quân là 1,5 tháng lương, tương đương 13 triệu đồng/người, cao nhất là 3 tháng lương.

Thông tin trên được ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tại hội nghị diễn ra sáng nay (24/12).

Chủ tịch Vinatex cho biết, tổng số lao động bình quân toàn Tập đoàn ước thực hiện năm 2020 là 70.654 người. Nếu tính cả các công ty con của doanh nghiệp thành viên thì tổng số lao động trong toàn hệ thống Tập đoàn khoảng 150.000 người. Tổng số lao động bình quân năm 2020 bằng 94% so với năm 2019 và bằng 96% so với kế hoạch năm 2020.

Tiết lộ thưởng Tết doanh nghiệp dệt may: Thấp 1 tháng, cao vài tháng lương - 1

2020 là năm nhiều khó khăn về ngành công nghiệp tỷ đô dệt may/Ảnh minh họa. Nguồn: Vinatex.

Theo ông Trường, mức giảm lao động 6% năm 2020 là mức giảm tự nhiên, tương đương với 2019 và các năm trước. Tuy nhiên số lao động được tuyển mới ít hơn năm 2019 do thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp dừng tuyển dụng lao động.

Thu nhập bình quân toàn Vinatex ước thực hiện năm 2020 là 8,05 triệu đồng/người/tháng, giảm 4,5% so với 2019 (350.000 đồng/ người/ tháng). Theo nhận xét của Chủ tịch Vinatex, mức giảm không đáng kể do nhiều doanh nghiệp đã sử dụng quỹ tiền lương dự phòng từ các năm trước.

Đáng lưu ý theo ông Trường, mặc dù tình hình năm 2020 rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn đảm báo mức thưởng Tết bình quân là 1,5 tháng lương, tương đương khoảng 13 triệu đồng/người (bằng 90% so với 2019), doanh nghiệp thưởng thấp nhất là 1 tháng lương, cao nhất là 3 tháng lương.

Ngoài tiền thưởng Tết, các hoạt động chăm lo khác đối với người lao động được Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục được duy trì. Năm 2020, số tiền hỗ trợ cho người lao động dệt may bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt là 15 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ cho người lao động (bao gồm cả chăm lo tết) dự kiến lên tới 45,5 tỷ đồng.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh dệt may cũng đã tiết lộ về kế hoạch thưởng Tết năm nay. Theo đó, đa số cho biết do chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020 nên việc duy trì được mức thưởng Tết như năm ngoái là khó khăn. Còn lại một số ít doanh nghiệp cho biết vẫn cố gắng duy trì được mức thưởng Tết năm trước.

Ông Đoàn Tiến Dũng, chủ một doanh nghiệp dệt may ở Nam Định cho biết, các doanh nghiệp dệt may năm nay sụt giảm doanh thu khoảng 20-30%. Tuy nhiên, việc thưởng tết rất quan trọng, vì doanh nghiệp phải tính toán giữ chân người lao động sau tết. Do đó, từ giờ đến cuối năm, công ty phấn đấu thưởng Tết cho công nhân tháng lương thứ 13 như mọi năm.

Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ và một số nước châu Âu đã khiến cho tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

"Có thể nói, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục, nhưng với việc nhanh chóng chuyển sang các mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác", Bộ Công Thương cho biết. 

Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỷ USD.