Không có bất thường, "vênh" quan điểm chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Sau 6 ngày vận hành thử nghiệm toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 166 quy trình vận hành đang được thực hiện thống nhất, không có chuyện các bên bất đồng quan điểm hay mâu thuẫn với nhau".

Lãnh đạo đơn vị vận hành khai thác đường sắt Hà Nội đã cho PV Dân trí biết thông tin nói trên về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hôm nay (18/12).

Trước đó, một số thông tin nêu lên việc tư vấn độc lập của Pháp và Tổng thầu Trung Quốc có những ý kiến trái chiều trong vận hành chạy tàu, một số tình huống được tư vấn pháp nêu ra nhưng Tổng thầu Trung Quốc không có phương án giải quyết hoặc giải quyết không đúng yêu cầu, hay việc tàu về ga chậm 1-2 phút so với vận tốc thiết kế...

Trao đổi với PV Dân trí về việc này, lãnh đạo đơn vị vận hành khẳng định: "Sau 6 ngày vận hành thử nghiệm toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 166 quy trình vận hành đang được thực hiện thống nhất, không có chuyện các bên bất đồng quan điểm hay mâu thuẫn với nhau, mọi hoạt động đều được thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt".

Không có bất thường, vênh quan điểm chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông! - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ 12/12 - 31/12 (ảnh: Tiến Tuấn)

Lãnh đạo đơn vị vận hành nêu rõ: Trước khi đưa vào vận hành thử nghiệm dự án cũng đã được kiểm tra nhiều lần, đảm bảo yêu cầu mới được thực hiện. Quá trình tàu chạy có nhiều tình huống được đưa ra để thử nghiệm, đánh giá các yếu tố về kỹ thuật, khai thác, an toàn.

"Nói các bên bất đồng hay mâu thuẫn là không đúng. Vì sao phải chạy thử? Vì sao phải đưa ra các tình huống, phải diễn tập? Tất cả nhằm đảm bảo rằng hệ thống được đánh giá toàn diện và khi khai thác chính thức đoàn tàu sẽ vận hành trơn tru. Trong quá trình này, việc các bên đưa ra ý kiến thảo luận, trao đổi là rất bình thường, cuối cùng sẽ thống nhất việc xử lý các tình huống theo hướng phù hợp nhất" - vị lãnh đạo thông tin.

Đề cập tới lí do đoàn tàu về ga chậm 1-2 phút so với vận tốc thiết kế, vị này cho biết hiện đang là thử nghiệm nên trong quá trình vận hành có thể đoàn tàu được lệnh dừng lại trên đường hoặc dừng trong nhà ga để diễn tập các tình huống. Vì vậy, thời gian tàu về ga có độ trễ là chuyện đương nhiên, điều đó không có gì bất thường và không thể đánh giá đó là vấn đề ảnh hưởng tới tổng thể dự án.

"Cho tới thời điểm này, tôi khẳng định hoạt động vận hành chạy thử tàu ổn định, các bên vẫn đang làm việc và hợp tác tích cực, không có gì bất thường cả" - lãnh đạo đơn vị vận hành nói và cho biết kết thúc quá trình thử nghiệm sẽ có đánh giá chung và đánh giá riêng của các bên.

Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị nói trên cũng thông tin thêm việc các nhân sự Việt Nam được đào tạo đang vận hành tốt đoàn tàu. Những vướng mắc đều được hỗ trợ và giải quyết ngay nên mọi việc cơ bản đều thuận lợi.

Về nguyên tắc, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê chuẩn theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ của Trung Quốc, vì vậy tư vấn Pháp tham gia đánh giá độc lập tại dự án cũng căn cứ trên cơ sở các quy trình, tiêu chuẩn đã được thông qua tại dự án này.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải - cho hay: "Nếu có vấn đề gì bất thường trong vận hành thử nghiệm thì chắc chắn các bên phải có báo cáo, tuy nhiên hiện Ban không nhận được báo cáo nào như vậy. Chúng tôi cũng đã trao đổi với tư vấn Pháp và họ cho biết việc trao đổi là công việc chuyên môn bình thường và họ không có ý "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc, mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng phương án đã được phê duyệt".

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ 12/12 - 31/12. Các đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục trong ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh.

Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. 

Bộ Giao thông vận tải dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.