Tiếp tục rà soát danh sách nộp thuế của người nổi tiếng livestream bán hàng
(Dân trí) - Đại diện Tổng cục Thuế cho biết tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, không phân biệt là người nổi tiếng hay không, nếu có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến sẽ đều là các đối tượng phải chịu thuế.
Chiều 7/1, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2024. Tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã có thông tin liên quan việc thu thuế người nổi tiếng phát sinh thu nhập từ các sàn thương mại điện tử.
Theo pháp luật, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, không phân biệt là người nổi tiếng hay không, nếu phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì phải có nghĩa vụ kê khai và chịu trách nhiệm nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.
Theo Luật Quản lý thuế 2019, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, các đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế gồm: tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước; tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.
Như vậy, người nổi tiếng, các YouTuber, TikToker, streamer… mà có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến sẽ đều là các đối tượng phải chịu thuế.
Ông Sơn cho biết cơ quan tư vấn thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như đưa ra các giải pháp để kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người nộp thuế.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều hoạt động quản lý thuế đối với nhóm người nổi tiếng. Riêng với các trường hợp là người nổi tiếng tham gia các phiên livestream (bán hàng trực tuyến), tiếp thị liên kết, Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo đến cơ quan các cấp để tăng cường công tác quản lý...
Thời gian qua, việc triển khai thu thuế được thí điểm và tập trung ở TPHCM do địa phương này có sự phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh, nhiều người nổi tiếng tham gia trên các nền tảng số.
TPHCM cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra thuế đối với các cá nhân nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên nền tảng số hoặc những người có thu nhập phát sinh từ thương mại điện tử. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Cục Thuế thành phố đã xác định và sẽ thực hiện kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ và người nổi tiếng.
Tại Hà Nội, cơ quan quản lý cũng đã tuyên truyền, hỗ trợ cá nhân có hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký, kê khai, nộp thuế. Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức các buổi mời gặp các tổ chức, cá nhân để chia sẻ, hướng dẫn thực tiễn việc kê khai.
Tổng cục Thuế cũng đã có danh sách những người có doanh số lớn từ việc bán hàng qua thương mại điện tử và được đưa vào danh sách thực hiện phân loại tiêu chí rủi ro, công tác thanh tra, kiểm tra.
Thống kê trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên diện rà soát là 76.428 cá nhân; số đã xử lý vi phạm là 30.029 cá nhân với số tiền truy thu, xử phạt là 1.223 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, ngành thuế đã có những bước đầu trong công tác quản lý, kết hợp cùng các bộ, ngành tham mưu để Chính phủ ban hành chỉ thị 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, đơn vị này sẽ tăng cường thực hiện công tác đối chiếu dữ liệu với các sàn thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh theo quy định để đảm bảo hoạt động thương mại điện tử minh bạch.