TPHCM:
Tiền xu bị "hắt hủi"
(Dân trí) - “Làn sóng” từ chối giao dịch mua bán bằng tiền xu của người dân tại khu vực phía Bắc đã nhanh chóng tràn vào khu vực phía Nam. Đồng tiền xu mới ra đời chưa đầy một thập niên nay đang “chết yểu”.
Hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố đã quay lưng lại với tiền xu, bó rau, con cá… đều trao đổi bằng tiền giấy. Chỉ cần thấy người đối diện cầm “bạc cắc” trên tay thì cả người mua lẫn kẻ bán đều thẳng thừng từ chối. “Xin lỗi, anh có tiền giấy thì đưa giúp, trong chợ này không còn ai xài tiền xu cả.” Đáp lại lời từ chối khéo của bà hàng rau tại chợ Bình Triệu, anh Nguyễn Văn Hùng ngụ tại quận Thủ Đức ngượng ngùng bỏ đồng xu mệnh giá 5.000 vào túi.
Việc mua bán trao đổi tiền xu giờ đây chỉ còn giao dịch “loáng thoáng” tại hệ thống các siêu thị, bưu điện hoặc ngân hàng. Tuy nhiên, đây gần như là dạng giao dịch một chiều theo kiểu ngoài thị trường không còn dùng loại tiền này nữa nên người dân buộc lòng phải đến đây để “đổi tiền” lấy hàng.
Thực tế cho thấy, những đồng tiền xu có mệnh giá từ 200 đến 500 đồng chỉ còn xuất hiện trong các thùng từ thiện phía sau quầy thanh toán tiền của siêu thị bởi trên thị trường mỗi đồng tiền loại này gần như chẳng thể mua nổi một mặt hàng nào dù là nhỏ nhất.
Với tư duy thúc đẩy một xã hội năng động theo các nước phát triển bằng việc mua bán trên hệ thống máy bán hàng tự động, năm 2003 Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời tiền xu với 5 loại mệnh giá 200đ, 500đ, 1.000đ, 2.000đ và 5.000đ. Nhưng thực tế ngay tại các thành phố lớn, người dân phải tìm đỏ mắt cũng chưa gặp một chiếc máy bán hàng tự động, chưa kể đến việc phải bỏ không biết bao nhiêu tiền xu với mệnh giá 200đ mới mua được một chai nước.
Tốn chi phí quá lớn để làm ra một đồng tiền xu song bản thân nó lại bộc lộ nhiều yếu điểm. Từ năm 2010 Ngân hàng Nhà nước đã ngưng sản xuất loại tiền này. Tiền xu đã bị “khai tử” nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi.
Vân Sơn