Sẽ có giải pháp tối ưu cho việc lưu thông tiền xu

(Dân trí) - Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại.

Đây là một trong những nội dung mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.
Sẽ có giải pháp tối ưu cho việc lưu thông tiền xu - 1
NHNN đã dừng việc phát hành thêm tiền kim loại
 
Trả lời cử tri về giải pháp thích hợp hơn để việc sử dụng đồng tiền xu có hiệu quả như đồng tiền giấy, Thống đốc NHNN cho biết: Những hạn chế của tiền kim loại trong lưu thông đã được NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp phù hợp. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã dừng việc phát hành thêm tiền kim loại và đang phối hợp với Viện hoá học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, các cơ quan liên quan đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của đồng tiền kim loại. Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại.

Trả lời các vấn đề liên quan đến chính sách tỷ giá, quản lý ngoại hối và vàng, Thống đốc NHNN nói: Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Để ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo hài hoà các lợi ích của nền kinh tế, điều hành tỷ giá của NHNN được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các cân đối vĩ mô và phải tính toán, xem xét đến các yếu tố, như diễn biến nhập siêu, cung cầu ngoại tệ, lãi suất, lạm phát, dự trữ ngoại hối...

Trong những năm qua, điều hành tỷ giá của NHNN bám sát tình hình thực tế và diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần khuyến khích xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta liên tục ở tình trạng nhập siêu khá lớn, cung cầu ngoại tệ nhiều thời điểm bị mất cân đối, cán cân thanh toán quốc tế bị thâm hụt, lạm phát luôn ở mức cao hơn so với các nước bạn hàng, tình trạng đô la hoá còn ở mức cao… nên việc ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số thời điểm đồng Việt Nam tăng giá so với USD, còn lại xu hướng phổ biến vẫn là đồng Việt Nam giảm giá so với các đồng tiền khác, nhất là đồng USD.

Lý giải vì sao giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn thế giới, theo Thống đốc, từ năm 2009, giá vàng thế giới tăng mạnh và biến động rất phức tạp, khó dự đoán làm cho người dân lo ngại giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao nên có tâm lý mua vào để phòng ngừa rủi ro. Tâm lý của người dân cùng với yếu tố đầu cơ của một số tổ chức kinh doanh vàng (tạo sự khan hiếm giả tạo thông qua việc hạn chế bán ra) đã đẩy giá vàng trong nước tại một số thời điểm tăng nhanh hơn giá vàng thế giới.

Hiện tại, những biện pháp mạnh tay mà NHNN đã và đang thực hiện như: Chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong nước và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; ban hành thông tư về việc huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng; đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới… làm giảm đáng kể tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng và làm cho giá vàng trong nước biến động phù hợp với biến động của giá vàng thế giới, góp phần ổn định thị trường vàng, ngoại tệ trong nước.

An Hạ