Tiền mặt vô dụng, dân Venezuela lấy hàng đổi hàng như thời nguyên thủy

(Dân trí) - Đồng bolivar đã mất 99% giá trị kể từ khi Maduro nhậm chức năm 2013, nên người dân ở các vùng nông thôn thường lấy hàng đổi hàng để có thể sống sót.

Tiền mặt mất sạch giá trị

Tiền mặt vô dụng, dân Venezuela lấy hàng đổi hàng như thời nguyên thủy - 1

Cư dân của Patanemo từ lâu sống chủ yếu dựa vào hàng đổi hàng.

Tại khu nghỉ mát Patanemo bên bãi biển một thời đông đúc, du lịch đã “chết mòn” trong 2 năm qua khi cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela đã khiến du khách không dám đi trên những con đường vắng vì sợ bị cướp.

Ngày nay, bờ biển Caribbean nằm cạnh những ngọn đồi này thường đón một loại du khách khác: những người đi bộ 10 phút từ một thị trấn gần đó mang theo gạo, cây mã đề hoặc chuối với hy vọng đổi chúng để lấy cá.

Với việc tiền giấy trong nước trở nên vô dụng bởi siêu lạm phát, trong khi thẻ ghi nợ cũng không được sử dụng rộng rãi để thực hiện các giao dịch ở khu vực thành thị, cư dân của Patanemo từ lâu sống chủ yếu dựa vào hàng đổi hàng.

Đây chỉ là một trong số ngày càng nhiều thị trấn nông thôn Venezuela rơi vào tình trạng bị cô lập khi nền kinh tế Venezuela trượt dốc trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài.

“Cá mà chúng tôi bắt được là để trao đổi lấy hàng hóa hoặc cho đi”, Yofran Arias, một trong 15 ngư dân đã quen với sự trao đổi như thời nguyên thủy mặc dù họ chỉ sống cách bến cảng chính của Puerto Cabello 15 phút lái xe.

“Tiền không mua bất cứ thứ gì vì vậy mọi người thường mang thực phẩm đến để chúng tôi có thể đổi cá cho họ”, anh nói.

Trong các chuyến thăm tới 3 ngôi làng trên khắp Venezuela, các phóng viên của Reuters đã thấy người dân trao đổi cá, hạt cà phê và trái cây rừng để kiếm tiền. Nền kinh tế nước này đã suy giảm 48% trong năm năm đầu tiên dưới sự chỉ đạo của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro, theo số liệu ngân hàng trung ương Venezuela công bố mới đây.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực nông thôn, nơi số hộ nghèo chiếm tới 74% trong năm 2017 so với 34% ở thủ đô, theo một cuộc khảo sát hàng năm có tên Encovi được thực hiện bởi các trường đại học tư nhân nước này.

Người dân cũng hiếm khi đi du lịch đến các thành phố lân cận do thiếu phương tiện giao thông công cộng, tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng tăng và chi phí tăng chóng mặt của hàng tiêu dùng.

Đổi cà phê lấy xăng dầu

Tiền mặt vô dụng, dân Venezuela lấy hàng đổi hàng như thời nguyên thủy - 2

3 bao tải cà phê nặng 100 kilogram sẽ đổi được 200 lít xăng.

Venezuela đang phải chịu một trong những sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Lạm phát đã đạt 1 triệu phần trăm, theo số liệu được đưa ra bởi đại hội phe đối lập. Liên Hợp Quốc cho biết 4 triệu công dân đã trốn khỏi Venezuela với 3,3 triệu người trong số đó di cư kể từ năm 2015.

Ngân hàng trung ương mới đây đã phát hành các chỉ số kinh tế đầu tiên trong gần 4 năm, cho thấy một thảm họa ít nghiêm trọng hơn so với số liệu được công bố bởi Quốc hội. Tuy nhiên, dữ liệu ngân hàng đã nhấn mạnh sự tụt dốc mạnh mẽ của nền kinh tế và giá cả hàng tiêu dùng tăng vọt.

Ở vùng núi thuộc bang trung tâm Lara, cư dân của thị trấn Guarico năm nay đã tìm thấy một cách thanh toán khác bằng hạt cà phê.

Cư dân của vùng trồng cà phê này hiện đang trao đổi hạt cà phê rang lấy bất cứ thứ gì, từ việc được cắt tóc đến phụ tùng cho máy móc nông nghiệp.

Haideliz Linares, chủ một cửa hàng máy móc cho biết: “Dựa trên giá thành của sản phẩm, chúng tôi đồng ý với khách hàng về số kilogram hoặc số túi cà phê mà họ phải trả”.

Theo đó, các giao dịch dựa trên một mức giá tham khảo của cà phê trên thị trường địa phương, Linares nói. Vào tháng 4, 1 kilogram cà phê có giá trị tương đương 3 USD.

Ở El Tocuyo, một thị trấn khác tại bang Lara, 3 bao tải cà phê nặng 100 kilogram sẽ đổi được 200 lít xăng. Nguồn cung nhiên liệu ngày càng thiếu ở quốc gia OPEC này do các vấn đề kinh niên tại công ty dầu khí nhà nước PDVSA.

Trong Borburata, một thị trấn khác cách một vài dặm với Patanemo, bà Keila Ovalles đang thu hoạch cà tím, cà chua và chanh dây ở sân sau ngôi nhà khiêm tốn của mình. Bà nói nó giống với cách gia đình bà sống vào đầu thế kỷ 20.

Bà đã ngừng uống cà phê sau khi không thể mua nổi nó, và bây giờ bà phải trồng trà sả để uống thay cà phê.

Hồng Vân (Tổng hợp)