1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiền mất bực mang vì cây cảnh “502” hoành hành

Một số người hám lợi bất chính đã dùng keo dán sắt 502 để “phù phép” những cành cây thành những cây cảnh có thế dáng, hoa, quả bắt mắt để đem bán. Nhiều người đã phải “ăn quả đắng” khi mất tiền để mua những cây cảnh giả này.

Làm cây cảnh giả đem bán

Hiện nay người bán dạo cây cảnh sử dụng keo dán sắt 502 để làm giả cây cảnh trên địa bàn Nghệ An không phải ít. Những “quái cây” này lợi dụng dịp năm hết tết đến để đi lừa đảo.

Theo tiết lộ từ N. - một tay làm cây cảnh giả đã giải nghệ, mỗi ngày những “nghệ nhân” lừa bán được một vài cây cảnh 502 là đã có tiền triệu. Thấy bở ăn nên không ít người đã bất chấp thủ đoạn để làm cây cảnh giả để lừa bán.

 
Anh Nguyễn bức xúc vì mua phải cây sung “502” 
Anh Nguyễn bức xúc vì mua phải cây sung “502” 

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
“Nghề này rất bở ăn nhưng cũng dễ bị đòn hội đồng khi người mua họ phát hiện ra mình bán đồ giả. Tôi cũng đã có lần suýt chết vì bị đánh nên đã giải nghệ”, N. ngậm ngùi nói.

Những người làm cây cảnh giả thường chở 4-5 cây cảnh như sung, lộc vừng, mai vàng để đi bán rong. Thủ đoạn của những người này là làm y như cây cảnh thật với những thế dáng đẹp, bắt mắt và bán rất rẻ nên nhiều người đã “sập bẫy”.

Anh Nguyễn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành) đến nay vẫn chưa hết bực tức kể lại chuyện anh mới làm nhà xong, còn nợ nần rất nhiều nhưng cũng muốn có cây sung cảnh đặt trong nhà với mong muốn may mắn làm nên ăn ra, cuộc sống sung túc. Vậy nên, khi có người  bán rong chở mấy cây sung cảnh đi qua anh đã gọi lại để mua. Những cây sung tuy nhỏ nhưng thế dáng rất đẹp, quả lúc lỉu từ gốc đến ngọn. Hỏi giá thì người bán bảo 1,5 triệu/cây. Thấy ưng ý, anh Nguyễn mua liền không cần mặc cả. Thế nhưng, buổi chiều bạn bè đến chơi, Nguyễn đem ra khoe mới phát hiện ra những quả sung đó đã được người bán dùi lỗ tinh vi rồi cắm vào và dùng keo 502 dán lại như thật. Tệ hại hơn là gốc cây chúng cũng bôi hóa chất cho cũ kỹ rồi lấy rễ khác dính keo dùi lỗ dắt vào và đắp bùn lại. Thực chất đó là một cành cây đã được “phù phép” y như thật.

Nói về việc dính cú lừa ngoạn mục từ những “quái chiêu” cây cảnh giả,  anh Hồng ở xã Quang Thành kể lại: Hôm đi làm về thấy trên đường tỉnh lộ 538 đoạn qua thị trấn có người bán cây lộc vừng xù xì mốc thếch lâu năm, dáng tọa sơn. Đặc biệt là hoa từng chùm buông xuống tuyệt đẹp. Người bán ra giá 3 triệu đồng, anh Hồng nghĩ rằng đây là cây đẹp nhưng  vẫn thử mặc cả. Bất ngờ là người đó chịu bán cho anh với giá 2 triệu đồng.

Hí hửng vì mua được cây đẹp và rẻ, anh Hồng về đặt ngay ở phòng khách và mời một người chơi cây cảnh trong xóm đến thưởng ngoạn. Người này khi đến đã phát hiện ra cây lộc vừng đó bị làm giả 100%: Gốc là gốc của cây khác, chỉ có cành, hoa là lộc vừng thật nhưng được gắn keo rất tinh vi, đưa tay giật nhẹ thì những chùm hoa rời khỏi cành hết.

Không chỉ anh Nguyễn và anh Hồng bị lừa mà theo tìm hiểu của Dân Việt, có rất nhiều người ở Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh… cũng đã mua phải cây giả này. Chị Hà ở Thị trấn Đô Lương bức xúc kể: “28 tết Nguyên đán năm ngoái, gia đình tôi mua một cây mai vàng giá 1,5 triệu đồng của một anh thanh niên di bán dạo nhưng qua ngày mùng 1 đầu năm mới, nắng lên cây héo rũ hoa rụng hết. Thì ra đó là cây mai  giả. Thân cây chúng làm bằng gỗ khô, cấy rêu mốc thếch như cây lâu năm, xung quanh thân chúng khoét lỗ cấy cành mai có lá nhỏ, nụ và hoa rất đẹp vào. Phải nói rằng tay nghề chúng rất cao, những người không rành về cây cảnh thì không thể phân biệt được. Bị lừa vào đầu năm mới như vậy thật là xui xẻo. Đúng là lộc mai chả thấy đâu chỉ thấy cái bực mình mấy ngày năm hết Tết đến”.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, không riêng gì Nghệ An mà tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… nạn cây cảnh giả cũng đang hoành hành vào dịp giáp Tết.

Quả sung được các “quái cây” dùng keo 502 gắn vào
Quả sung được các “quái cây” dùng keo 502 gắn vào

Lật tẩy cây “502” thế nào?

Chia sẻ kinh nghiệm nhằm tránh mua phải cây cảnh giả, anh Nguyễn Phương - một người có thâm niên chơi cây cảnh ở huyện Yên Thành cho biết: Các loại cây cảnh giả thường được những “nghệ nhân” làm y như thật, thậm chí thế dáng đẹp hơn cả cây thật. “Đối với một cây sung cảnh bonsai mà có quả lúc lỉu bện từ gốc đến ngọn như cây cảnh “502” rất hiếm. Nuôi nấng được một cây như vậy thì những người chơi cũng phải mất từ 20 năm trở lên, giá bán phải từ 5- 10 triệu đồng/cây. Cây lộc vừng như nói ở trên giá cũng tương đương vậy.

Nhưng một điều dễ dàng nhận ra đó là những cây cảnh giả có thế dáng, hoa, quả đẹp như vậy mà giá bán lại rất rẻ. Tầm 200 nghìn, 500 nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng/cây. Những kẻ lừa đảo này đã nắm bắt được sự thiếu hiểu biết về cây cảnh và tâm lý ham đồ rẻ của người dân nên lừa đảo thành công.

 Ngoài ra, người mua cây cảnh cần phải hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhìn nhận một cách chính xác. Những cây cảnh giả chúng làm rất tinh vi, đối với người thiếu kinh nghiệm nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được. Nhưng với con mắt nhà nghề thì sẽ phát hiện những đường nét, vết ghép của keo dán sắt. Vì vậy, tốt nhất là người thích chơi cây cảnh nếu muốn mua cây nên nhờ người có kinh nghiệm chơi cây cảnh chọn mua để tránh bị lừa đảo. Người tiêu dùng nên cảnh giác để tránh bị tiền mất lại mang bực tức vào thân, nhất là dịp Tết đến xuân về.
 
Theo Tiến Dũng
Dân Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm