Tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,4 triệu tỷ đồng
(Dân trí) - Lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng tiếp tục đạt kỷ lục. Tuy nhiên tiền gửi của hệ thống tổ chức kinh tế giảm kéo tổng phương tiện thanh toán giảm theo.
Số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến tháng 7 đạt 6,838 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ đồng, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023. Con số này tiếp tục là mức kỷ lục mới về lượng tiền gửi của người dân.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao. Thực tế, lãi suất huy động chưa thể hồi phục song thời điểm tháng 7 các ngân hàng cũng đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất.
Thậm chí, đến cuối tháng 7, số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn số ngân hàng điều chỉnh giảm. Với các kỳ hạn 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3,5%/năm đến 5,2%/năm; 6 tháng dao động 2,5%/năm đến 5,3%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất phổ biến từ 5,3%/năm đến 5,7%/năm.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức vào hệ thống tín dụng giảm nhẹ, đến hết tháng 7 đạt 6,768 triệu tỷ đồng, giảm 1,07% so với cuối năm ngoái. Nếu so với tháng liền trước, tiền gửi của tổ chức giảm khoảng 139.000 tỷ đồng.
Tính chung, tổng phương tiện thanh toán (chưa bao gồm các khoản giấy tờ có giá) đến hết tháng 7 năm nay đạt hơn 16,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,52% so với cuối năm ngoái nhưng giảm 112.000 tỷ đồng so với tháng 6 liền trước.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, đến đầu tháng 10 lên cao nhất là 6,2%/năm. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều trả lãi suất từ 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất theo công bố là 6,15%/năm.
Khẩu vị đầu tư của người dân 3 tháng cuối năm được phần lớn chuyên gia đánh giá cũng sẽ ít nhiều thay đổi dẫn đến biến động tiền gửi trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều lựa chọn. Không ít kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt hơn để "xuống tiền". Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, vàng miếng sinh lời 13%, vàng nhẫn sinh lời 30%, tốt hơn mức 12,8% của chứng khoán và kênh gửi tiết kiệm.