Tiền điện của người dân TPHCM sẽ đạt “đỉnh” trong mùa nắng nóng

(Dân trí) - Tiền điện của người dân có thể tăng đến 50% trong những tháng nắng nóng kéo dài tại TPHCM. Ngành điện khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời để giảm thiểu chi phí sinh hoạt và bán “điện sạch” lại cho ngành này.

Theo Tổng Công ty Điện Lực TPHCM (EVN HCMC), từ đầu tháng 3/2019, TPHCM đã bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ tại nhiều thời điểm đã lên hơn 37 độ C. Chính vì vậy mà nhu cầu sử dụng điện của người dân đang tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng máy lạnh.

Tiền điện của người dân TPHCM sẽ đạt “đỉnh” trong mùa nắng nóng - 1
Hóa đơn tiền điện của người dân TPHCM trong mùa nắng nóng sẽ đạt “đỉnh”, có thể tăng đến 50% so với các tháng khác.

Tính đến ngày 31/3, tổng sản lượng điện mỗi ngày của thành phố đã tăng dần từ 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày. Trong đó, ngày 27/3 ghi nhận sản lượng cao nhất là 83,45 triệu kWh.

Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết, trong tháng 4,5,6 thì nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng.

“Dự báo là hóa đơn tiền điện của người dân thành phố các tháng tới sẽ tăng. Ngoài việc tăng giá điện theo quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương thì hàng năm, vào các tháng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao. Thống kê sản lượng điện từ năm 2014 – 2018 cho thấy, lượng tiêu thụ điện tháng 3, tháng 4 tăng cao hơn nhiều so với tháng 2 và có năm tăng đến 50%”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, ngành điện lực khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất cần tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm và đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Theo EVN HCMC, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh nên tiềm năng sử dụng điện mặt trời là rất lớn. Chính phủ cũng đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện với giá 9,35 UScents/kWh (khoảng 2.134 đồng).

Việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện sẽ được triển khai từ ngày 25/4. Người dân có thể liên hệ với các nhà cung cấp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tìm hiểu, lắp đặt cho gia đình nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng. Điều này cũng thể hiện sự chung tay bảo vệ môi trường do sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Cụ thể, nếu một hộ dân có khoảng 20m2 mái nhà không bị che khuất thì có thể lắp được hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 2kWp (8m2/kWp). Mỗi một kWp có thể sản sinh ra số điện năng từ 3 – 5kWh/ngày và chi phí đầu tư điện mặt trời khoảng từ 22 – 30 triệu/kWp.

Như vậy, một gia đình chỉ cần đầu tư từ 44 – 60 triệu đồng là có thể sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời phục vụ những nhu cầu sinh hoạt cơ bản trong đời sống hàng ngày. Sau 7 – 8 năm, người dân sẽ lấy lại vốn đầu tư ban đầu cho công trình điện mặt trời trên mái nhà.

Tiền điện của người dân TPHCM sẽ đạt “đỉnh” trong mùa nắng nóng - 2
Điện mặt trời trên mái nhà

Nguồn điện dư ra tại các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được ngành điện mua lại nếu có đấu nối và bán điện lên lưới điện của EVN. Các dự án được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.

Giá mua điện (chưa thuế GTGT) là 2.134 đồng/kWh tính từ ngày 1/1 – 31/12/2019. Kể từ năm 2020, giá mua điện vẫn sẽ tính bằng VNĐ và dựa theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ.

Đại Việt