1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiền ảo rác đang "hút máu" các nhà đầu tư Việt Nam

Việc khai thác, buôn bán, kinh doanh, trao đổi tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số là hành vi trái pháp luật và bị cấm.

Tiền ảo rác đang hút máu các nhà đầu tư Việt Nam - 1

Cơn sốt Bitcoin và Pi đang khiến nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhảy vào lĩnh vực tiền điện tử, bất chấp việc loại tiền này chưa được Chính phủ chấp nhận và cho phép giao dịch.

Lao vào đầu tư tiền điện tử

Với việc đồng Bitcoin cán mốc hơn 55.000 USD/đồng và nở rộ cơn sốt đào tiền điện tử Pi Network, hàng loạt loại tiền điện tử khác cũng đang được giới đầu tư Việt Nam đồn thổi, nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư.

"Các đồng tiền điện tử lọt vào danh mục đầu tư bởi Bitcoin có mức giá quá cao, trong khi giá các loại khác đang ở mức tiềm năng, chỉ từ vài cent tới vài USD/đồng. Rất có thể một ngày nào đó nó sẽ trở thành Bitcoin", anh Hoàng Ngọc Minh, một nhà đầu tư tiền điện tử cho biết.

Ngọc Minh mở laptop cho chúng tôi xem "danh mục các mã tiền điện tử tiềm năng" với hàng loạt mã tiền như Ethereum (ETH), Stellar (XLM), Tezos (XTZ), Binance Coin (BNB), Uniswap (UNI), VeChain (VET)… rồi chỉ vào mã VET nói: "Ví dụ như mã này hiện có giá chưa đến 0,2 USD, vốn hóa thị trường ước tính 1,2 tỷ USD. VET là công nghệ blockchain quản lý chuỗi cung ứng, nhằm mục đích sử dụng quản lý phi tập trung và Internet of Things (IoT), để tạo ra một hệ sinh thái giám sát các chuỗi cung ứng khác nhau. Mới đây đã công bố hợp tác với KnowSeaFood. Đây một công ty của Mỹ chuyên về ẩm thực hải sản, một ngành kinh tế trị giá 100 tỷ USD. VET sẽ phá vỡ kỷ lục tăng giá", Minh phân tích.

Còn chị Chu Ngọc Linh, một nhà đầu tư tiền điện tử thì quả quyết: "ChainLink mới là đồng đáng đầu tư nhất trong thời gian này, giá của nó sẽ không còn là 12 USD, mà sẽ tăng lên 3 con số, khi từng đạt mốc hơn 20 USD/đồng vào tháng 7/2020"…

Cơn sốt Bitcoin và Pi đang khiến nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhảy vào lĩnh vực tiền điện tử, bất chấp việc loại tiền này chưa được Chính phủ chấp nhận và cho phép giao dịch.

Kết quả khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của trang Statista vừa công bố, Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo (với 21%) sau Nigeria. Thông tin không chính thức tổng hợp từ số liệu thống kê của các trang kỹ thuật số nước ngoài, ước tính Việt Nam có hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo.

Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL cho biết, hiện tiền ảo rác tăng mạnh và đang "hút máu" các nhà đầu tư Việt Nam. Bitcoin tăng đã trở thành cớ cho các tiền ảo rác tăng nhanh do lợi dụng sự hấp dẫn kiếm được lời nhiều từ việc đầu tư tiền ảo. Với lời mời chào hấp dẫn khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào các sàn tiền ảo rác, để rồi sau một khoảng thời gian "đột nhiên bị sập", lúc đó nhà đầu tư mới biết họ bị lừa.

Cơ quan quản lý cảnh báo

Trở lại với cơn sốt đào Pi Network tại Việt Nam, trong khi các chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư lên tiếng cảnh báo về sự thiếu minh bạch, có nhiều dấu hiệu thiếu an toàn và có khả năng bị mất thông tin, mang thông tin cá nhân trục lợi… thì một phần cộng đồng đào Pi tại Việt Nam ra sức bảo vệ, ủng hộ Pi Network. Họ cho rằng, đào không mất gì, còn thông tin thì khi dùng Facebook, Google thì cũng đã mất rồi, nên cứ đào chờ ngày được giá.

Thậm chí, có diễn đàn còn cho phép dùng đồng Pi để mua vật phẩm nhỏ với mức định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng (hiện diễn đàn này đã bị đóng cửa).

Theo phân tích của PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), Pi không có nguồn gốc rõ ràng nên không định giá được, người chơi vì thế không nên tin tưởng. Mô hình hoạt động của Pi đang giống mô hình của hoạt động đa cấp Ponzi, lấy của người sau trả cho người trước. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, người dùng không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào vào Pi Network, nhưng dự báo đến một thời điểm, cùng với việc nắm trong tay dữ liệu cá nhân quan trọng, ứng dụng này sẽ buộc người dùng phải nạp tiền vào để tiếp tục đầu tư. 

Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: "Tại thời điểm này chưa có đầu tư, chưa đổ tiền người dùng, chưa có rủi ro. Nhưng đến khi bắt đầu có đầu tư, có giao dịch thì rủi ro sẽ hiện hữu. Rủi ro này có lẽ sẽ lớn hơn tất cả các đồng tiền khác vì Pi chưa hề có lịch sử, chưa có thị trường.

Thị trường mà những thành viên Pi Network quảng cáo chỉ là thị trường ảo, không ai kiểm chứng được. Không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào chỉ là cách mà những người tạo ra đồng tiền này lôi kéo người chơi. Cho đến khi người dùng nạp tiền vào, có thể diễn ra kịch bản đồng tiền này bị đánh sập".

Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 3/2021, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định, tiền ảo bitcoin hoặc một số loại tiền khác không phải đồng tiền pháp lệnh. Tiền ảo, tiền kỹ thật số, tiền điện tử… không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng những đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật".

Mới đây, Bộ Tài chính cũng phát đi cảnh báo nêu rõ, hiện nay các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức.

"Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo", Bộ Tài chính khẳng định.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra và đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm