Tích lũy lãi gần 6.000 tỷ, Ma San vẫn không chia cổ tức
(Dân trí) - Đến cuối năm 2012, lợi nhuận chưa phân phối của Ma San đã lên tới 5.925,65 tỷ đồng song tập đoàn vẫn chưa muốn chia cổ tức cho cổ đông. Trong khi đó, dự kiến dành 4.700 - 5.200 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định, chưa bao gồm vốn cho M&A.
Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San (Mã chứng khoán: MSN) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 vào 27/4 tới.
Tuy nhiên, tờ trình phân chia lợi nhuận 2012 của Ma San đã không khỏi gây “sốc” cho cổ đông khi năm nay, tập đoàn này tiếp tục không muốn chia cổ tức dù mức lãi báo cáo rất “khủng”. Theo đó, lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2012 của Ma San còn tới 5.925,65 tỷ đồng.
Mảng tiêu dùng mang lại nguồn lợi lớn cho Ma San.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, về tình hình tài chính của Ma San trong 2012, các hoạt động kinh doanh cốt lõi đều đạt được kết quả kỷ lục, trong khi lợi nhuận hợp nhất có suy giảm do mức đóng góp từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thấp hơn. Lợi nhuận của Techcombank đã sụt giảm mạnh 75,7% từ 3.154 tỷ đồng năm 2011 xuống 766 tỷ đồng năm 2012.
Với doanh thu thuần năm 2012 đạt 10.389 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau thuế 2.783 tỷ đồng, Ma San đặt 2 kịch bản cho 2013. Tại kịch bản cao, Ma San dự kiến tăng trưởng doanh thu thuần 74% lên 18.100 tỷ đồng và tăng trưởng lợi nhuận 65% lên 4.600 tỷ đồng. Ở kịch bản thấp, Ma San chấp nhận mức doanh thu thuần tối thiểu phải đạt được là 14.700 tỷ đồng tương ứng tăng trưởng 41% và tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu 31% lên 3.650 tỷ đồng.
Theo kế hoạch do Hội đồng quản trị Ma San đề xuất, các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định trong năm 2013 sẽ rơi vào khoảng 4.700 tỷ đồng đến 5.200 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư này không bao gồm các vụ mua bán sáp nhập (M&A) tiềm năng, vốn phụ thuộc vào thị trường và cơ hội.
Năm vừa qua, ít nhất có 2 thương vụ đình đám trong lĩnh vực M&A do Ma San thực hiện: Thương vụ thứ nhất là việc mua lại 40% cổ phần CTCP Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Cám Con Cò), nhà sản xuất thức ăn gia súc lớn thứ hai ở Việt Nam.
Thương vụ thứ hai là Masan Consumer mua lại 24,9% cổ phần trong CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo từ Gemadept. Công ty còn muốn gia tăng cổ phần tại Vĩnh Hảo thông qua việc triển khai đợt chào mua công khai bằng tiền mặt với những điều khoản tương tự.
Ngoài ra, việc kết hợp với CTCP Vinacafe Biên Hòa cũng đã mang lại cho Masan Consumer mối lợi lớn khi Vincacfe Biên Hòa đã đạt được kết quả tài chính kỷ lục trong 2012 với doanh thu tăng thêm 33,4% và lợi nhuận thuần tăng thêm 41,3%.
Thế nhưng, nếu đề xuất này không chia cổ tức 2012 lần này của Hội đồng quản trị Ma San được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì đây sẽ là năm thứ 4 liên tiếp kể từ 2009 đến nay, “ông lớn” này không chia cổ tức.
Mai Chi