Tỉ phú rau sạch

Nhiều nông dân ở tỉnh Lâm Đồng trở thành tỉ phú nhờ đầu tư trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị

Có dịp đến huyện Đơn Dương hay TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gặp gỡ các hộ nông dân trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị mới thấy nghề này tuy cực nhưng mang đến cơ hội làm giàu cao. Các hộ nông dân ở đây trồng rau theo mô hình chuỗi cung ứng rau sạch tiêu chuẩn Metro Requirement về thực hành nông nghiệp tốt, có đầu ra và thu nhập ổn định.
 
Anh Mai Văn Khẩn kiểm tra rau sú bao tử mới trồng thử nghiệm
Anh Mai Văn Khẩn kiểm tra rau sú bao tử mới trồng thử nghiệm

Tha hương lập nghiệp

Anh Mai Văn Khẩn, ngụ phường 12, TP Đà Lạt được biết đến với biệt danh “tỉ phú trồng rau”. Vườn rau của anh rộng hơn 4 ha. Kể chuyện lập nghiệp, anh Khẩn cho biết sau khi thi rớt đại học, anh quyết tâm tìm con đường khác để vươn lên.

Năm 1994, từ Thanh Hóa anh vào Lâm Đồng tìm hiểu cách trồng rau và tìm đất canh tác. “Lúc đầu, diện tích nhỏ và đầu ra không ổn định nên tôi thường xuyên thua lỗ, đã vậy còn bị thương lái ép giá, nhiều khi phải đổ đi” - anh tâm sự. Từ thất bại, anh bàn với những nông dân khác thay đổi cách làm. Năm 2007, anh tham gia lớp tập huấn về cách trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement. Vận dụng kiến thức đã học, anh dần dần vượt qua các yêu cầu khắt khe rồi được hệ thống Metro công nhận đạt chuẩn và lấy hàng. Từ đó, chàng thanh niên tha hương lập nghiệp Mai Văn Khẩn có đầu ra ổn định cho rau sạch và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.

Dẫn khách tham quan vườn rau xanh mát mắt, chỉ vào con đường băng qua quả đồi để vào trang trại của mình, anh Khẩn tự hào: “Con đường dài hơn 1 km, trước đây là đường đất bùn lầy, tôi đã đầu tư khoảng 1,3 tỉ đồng để đổ bê tông, xe tải thuận tiện vào lấy rau”. Nhìn hệ thống các mái nhà kính trồng rau bên trong, khách tham quan phải trầm trồ thán phục cách làm nông chuyên nghiệp của anh. Anh Khẩn cho biết lợi nhuận từ trồng rau sạch sau khi trừ hết chi phí khoảng 1,5 tỉ đồng/năm. Trang trại trồng rau sạch của anh cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động.

Nhật ký cho rau

Một trong những người tiên phong khác của mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement là ông Mai Xuân Toản, ngụ thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Hiện ông Toản cũng lọt vào top những “tỉ phú rau sạch” ở tỉnh Lâm Đồng với vườn rau 2 ha. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, lúc đầu ông Toản trồng rau theo kiểu tự phát nhưng thấy cách làm này rủi ro cao, hiệu quả thấp nên tìm cách thay đổi. Ông Toản cho biết: “Được nghe về cách trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement, tôi nghĩ nên tham gia xem sao, không ngờ cách này mang lại hiệu quả”.

Ông Toản nói: “Chúng tôi phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký… cho rau! Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi lại tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc rau quả”. Tuy cực nhưng theo ông Toản, hiệu quả làm rau theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp rất cao. “Mỗi năm, trừ hết chi phí, tôi thu lời được từ 500-600 triệu đồng. Nhờ đó, tôi nuôi 4 đứa con học đại học, cao đẳng khỏe re” - giọng ông Toản hào hứng.
 

Thu nhập cao, được bao tiêu sản phẩm

Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 40 hộ nông dân thành công trong việc trồng rau sạch. Tùy diện tích, quy mô lớn hay nhỏ, mỗi hộ nông dân có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Thành Trung, ngụ xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, nói: “Điều khiến tôi và những nông dân trồng rau yên tâm làm rau sạch theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt là được bao tiêu sản phẩm, không lo bị ép giá hoặc đổ bỏ đi như trước đây”.

 
Theo Sỹ Đông
Người Lao Động