Thương vụ sáp nhập HDBank - DaiABank đến hồi "chốt hạ"

(Dân trí) - Trong ngày 25/9 và 28/9, DaiABank và HDBank lần lượt triệu tập đại hội cổ đông bất thường để thông qua đề án và hợp đồng sáp nhập. Dự kiến, sau sáp nhập, ngân hàng mới sẽ mang tên HDBank và lãnh đạo cấp cao cũng đều là “bộ sậu” từ HDBank.

Thương vụ sáp nhập HDBank - DaiABank đến hồi chốt hạ
Nếu "thuận buồm xuôi gió", thị trường sẽ chia tay với DaiABank và ngân hàng mới HDBank hậu sáp nhập sẽ ra mắt với quy mô tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vừa công bố chương trình Đại hội đồng cổ đông bất thường sẽ diễn ra vào sáng mai (25/9/2013) tại Biên Hòa, Đồng Nai. Đến 28/9/2013 tới, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung tương tự.

Theo đó, tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị (HĐQT) hai ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua Đề án sáp nhập, Hợp đồng sáp nhập và Điều lên ngân hàng sau sáp nhập giữa DaiABank và HDBank.

Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của DaiABank ngày 15/6 vừa rồi cũng đã thông qua đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2013-2015 theo phương án hợp tác với HDBank. Nội dung cụ thể là thông qua thỏa thuận nguyên tắc giữa hai ngân hàng ký ngày 9/10/2012.

Nếu được thông qua Đề án, với phương án tái cơ cấu này, sau sáp nhập thương hiệu DaiABank sẽ biến mất và ngân hàng mới sẽ giữ tên HDBank.

HDBank mới tham vọng sẽ có vốn điều lệ đạt trên 8.100 tỷ đồng, nằm trong Top 10 Ngân hàng TMCP Việt Nam, tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng, 210 điểm giao dịch trên cả nước, tổng nhân viên trên 3.600 cán bộ và danh mục khách hàng hơn 420.000 cá nhân và tổ chức kinh tế.

Điểm đáng chú ý là HĐQT hai ngân hàng đã thống nhất phương án nhân sự cấp cao tại ngân hàng sáp nhập, sẽ giữ nguyên “bộ sậu” của HDBank với 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2012-2017 làm nòng cốt của HDBank mới. Nếu có nhu cầu, căn cứ vào tỷ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông và theo quy định của pháp luật, HDBank mới sẽ có thể đề cử thêm ít nhất 2 thành viên tham gia vào HĐQT.

Ngoài ra, giữ nguyên thành phần Ban Kiểm soát của HDBank tại HDBank mới. Sau khi sáp nhập, nếu có yêu cầu thì ngân hàng mới sẽ tổ chức bầu bổ sung tuần thủ đúng quy định và điều lệ. 

Cùng với đó, Tổng giám đốc của ngân hàng mới là Tổng giám đốc của HDBank hiện nay, Ban Tổng giám đốc của HDBank sẽ làm nòng cốt của ngân hàng sáp nhập còn Ban Tổng giám đốc của DaiABank sẽ được giữ nguyên và bổ sung cho ngân hàng sáp nhập dựa trên nhu cầu thực tế và do tăng trưởng quy mô hoạt động ngân hàng.

Hội sở chính của ngân hàng sáp nhập sẽ được chọn đặt tại trụ sở hiện nay của HDBank tại 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TPHCM.

Theo thông tin được đưa ra tại tài liệu cung cấp cho cổ đông, tỷ lệ hoán đổi cổ phần sẽ là 1:1 (1 cổ phần phổ thông DaiABank được hoán đổi thành 1 cổ phần phổ thông của HDBank). 

Việc thực hiện hoán đổi dự kiện diễn ra trong quý I/2014 khi NHNN có chấp thuận cuối cùng về sáp nhập hai tổ chức tín dụng cũng như có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về phát hành thêm cổ phần của ngân hàng sau sáp nhập.

Bên cạnh sáp nhập DaiABank thì HDBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc mua lại 100% vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Societe Generale, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm