Thương mại điện tử Việt: Sao để đi đường dài?
Theo khảo sát về Thị trường Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam của Q&Me tiến hành tháng 7/2016 tại HN và TPHCM, 57% người được hỏi không sử dụng các dịch vụ của TMĐT vì lo ngại về chất lượng sản phẩm, 34% người sử dụng không hài lòng cũng vì chất lượng sản phẩm.
Để đi đường dài, chính chất lượng của sản phẩm và dịch vụ mới giúp các doanh nghiệp TMĐT tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Hụt hơi với những cuộc đua về giá
Đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ của người dùng, nhiều trang TMĐT thường chạy đua với nhau về giá. Ưu điểm của chiến lược này là giúp trang TMĐT thu hút người mua một cách nhanh chóng.
Nhưng nhược điểm của hình thức này cũng không phải ít. Nhất là khi chiến lược này chỉ dành cho những ông lớn, có cả sức mạnh và "sức bền" tài chính.Vì nếu không khéo, doanh nghiệp sẽ rất dễ rơi vào trạng thái hụt hơi, thiếu vốn và thậm chí ngậm ngùi chia tay cuộc chơi đầy khốc liệt này. Nếu như hôm nay sản phẩm trên trang TMĐT này giá tốt, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn. Nhưng liệu ngày mai, ngày kia, năm này qua tháng nọ, doanh nghiệp có giữ được mức giá luôn tốt, luôn luôn kịch đáy như thế?Đây cũng là một cách lý giải cho sự ra đi đầy đáng tiếc của nhiều trang TMĐT đã có chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn... và mới đây là Lingo.vn và Cdiscount.
Có thể nói, giá rẻ không phải là yếu tố quyết định cuộc chơi TMĐT. Để tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới của TMĐT Việt, thiết nghĩ các tay chơi cần có một chiến lược kinh doanh rõ ràng để biết phân bổ nguồn lực đầu tư vào những yếu tố bền vững hơn.
Chinh phục người mua bằng chất lượng
Trongnghiên cứu về tình hình Ứng dụng TMĐT trong cộng đồng đăng trong Báo cáo về Tình hình TMĐT năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 73% trong tổng số 967 người tham gia khảo sát cho rằng trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến đó là lo lắng sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.
Còn theo khảo sát về Thị trường TMĐT VN của Q&Me tiến hành tháng 7/2016 tại HN và TPHCM, 57% người được hỏi không sử dụng các dịch vụ của TMĐT vì lo ngại về chất lượng sản phẩm, 34% người sử dụng không hài lòng cũng vì chất lượng sản phẩm.
Chị Trần Ngọc Thảo (Quận 3, TPHCM) chia sẻ quan điểm: "Trước đây tôi hay mua quần áo, các sản phẩm gia dụng trên mạng. Nhiều sản phẩm nhìn trên web thì long lanh, nhưng khi nhận thì một trời một vực. Tôi bị nhiều lần như vậy nên bây giờ hạn chế mua hàng qua mạng."
Những sản phẩm không đạt chất lượng hoặc không đáp ứng được kì vọng của khách hàng là nguyên nhân khiến họ không mấy mặn mà với việc mua sắm qua mạng. Do đó, để chinh phục khách hàng, các trang TMĐT cần chú trọng hơn về khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Thực tế, đã có nhiều trang làm được chuyện này. Thay vì chen chân vào cuộc đua về giá, nhiều trang TMĐT lại chọn cách đi chậm, nhưng chắc hơn. Họ phát triển từ một thị trường ngách để có đủ thời gian, công sức, và nguồn lực tài chính đầu tư vào những giá trị mang tính cốt lõi, đó là sản phẩm và dịch vụ. Hướng đi này ban đầu sẽ khiến doanh nghiệp hưởng một miếng bánh nhỏ hơn trong thị trường TMĐT. Nhưng một khi đã có được miếng bánh của mình, nó sẽ không mất đi, mà ngày càng mở rộng một cách bền vững.
Cái "lợi" khi bán chất lượng
Ví dụ kinh điển nhất cho hướng đi này là mô hình B2C của Amazon. Năm 1995, cuốn sách đầu tiên của Amazon được giao đi từ gara của nhà sáng lập Jeff Bezo tại Settle. Bằng cách đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, năm 2006, Amazon phục vụ đa ngành hàng và mặt tại 7 quốc gia. Đến nay, Amazon bành trướng sức ảnh hưởng và kể cả thị phần của mình ra toàn cầu và trở thành ví dụ điển hình cho chiến lược kinh doanh tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ và sản phẩm giúp các trang TMĐT xây dựng được lòng tin với khách hàng. Từ đó gia tăng số lượng khách hàng trung thành. Nỗ lực này xét về mặt hiệu quả và chi phí đều "lợi" hơn và bền vững hơn việc đi tìm khách hàng mới bằng cách hạ giá kịch sàn hay chăm sóc không tốt để họ bỏ mình đi.
Tại Việt Nam, nhiều trang TMĐT cũng áp dụng thành công chiến lược chậm mà chắc này. Ngay từ khi còn chỉ tập trung vào sách cho đến khi mở rộng ngành hàng đa dạng như hiện nay, Tiki luôn nhất quán trong việc kiểm soát chất lượng từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ lúc chọn nhà cung ứng, xuất đơn hàng, giao hàng, chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Theo thống kê tháng 6/2016 của Tiki, về tần suất quay trở lại mua hàng của người dùng. Thì có đến hơn 60% lượng khách hàng của trang TMĐT là khách hàng thường xuyên, đóng góp đến trên 2/3 doanh thu. Chiến lược phát triển bền vững đã giúp cho một trang TMĐT "made in Vietnam" khiến các nhà đầu tư trên thế giới như Cyber Argent, Sumitomo, Seedcom và cả VNG của Việt Nam tin tưởng và sẵn sàng rót vốn đầu tư với những con số cao đến bất ngờ.
Tóm lại, thương mại điện tử vốn rất tiềm năng nhưng cũng vô cùng khốc liệt. Để tồn tại và phát triển trong sân chơi này, các doanh nghiệp cần xác định rõ một chiến lược kinh doanh bền vững. Trong đó, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ là một gợi ý không tồi.
PV