Thương mại điện tử phải đi kèm văn hóa kinh doanh

(Dân trí) - “Thương mại điện tử đã được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp với hiệu quả ngày càng tăng. Tuy nhiên khi ứng dụng thương mại điện tử trong xuất nhập khẩu cũng cần phải chú trọng đến văn hóa kinh doanh”.

Thương mại điện tử phải đi kèm văn hóa kinh doanh - 1
Quang cảnh Hội thảo sáng 29/5 tại TP. Cần Thơ.

TS. Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) đã nhận định như vậy đối với các doanh nghiệp tham dự Hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới” tại TP Cần Thơ sáng 29/5.

Báo cáo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giao thương Việt - Mỹ năm 2008 là 15.283 triệu USD (tăng 23,6% so với năm 2007). Trong đó tổng xuất khẩu 12.610 triệu USD (tăng 19,6%).

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam đứng thứ 31 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ; tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là 20 - 30%/năm.

Trong năm 2008 các DN ứng dụng phương tiện điện tử ngày càng nhiều hơn trong việc nhận đơn đặt hàng (qua điện thoại là 74,3%, qua fax 73,6% và qua email 68,0% tương ứng so với năm 2007 là 64,6%; 63,7% và 64,8%, dự báo sẽ cao hơn trong năm 2009), tập trung vào nhóm các DN hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp, thủy sản, cơ khí, xây dựng, hóa chất.

Theo ông Quyền, việc ứng dụng thương mại điện tử mang lại các cơ hội: thuận lợi hóa thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí mua bán, dịch vụ; tiết kiệm thời gian; mở rộng thị trường và tạo các cơ hội kinh doanh, tìm kiếm đối tác dễ dàng. Tuy nhiên cũng gặp những thách thức như thay đổi quy trình nghiệp vụ, tổ chức quản lý; đầu tư cho hạ tầng công nghệ; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng theo ông Quyền, văn hóa kinh doanh của các nước nói chung, Mỹ nói riêng rất quan trọng. Với Mỹ, cần chú ý đến cách viết tên, cách xưng hô, một số tính cách đặc trưng, giờ giấc, nghi lễ xã giao, bình đẳng với phụ nữ, với những người khác chủng tộc và đặc biệt đối với người Mỹ “thời gian là tiền bạc”. Chính vì thế cần lựa chọn ứng dụng thương mại điện tử sao cho phù hợp với văn hóa kinh doanh của họ.

Còn ông Trần Duy Đông, Vụ thị trường Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng đưa ra một loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ như nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, giầy dép, đồ gỗ, hải sản...

Bởi các mặt hàng này tuy đã tìm được chỗ đứng trên thị trường Mỹ song vẫn đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan…

Huỳnh Hải