Thương mại điện tử “cứu sống” doanh nghiệp bên bờ phá sản

(Dân trí) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả người mua, người bán trên toàn cầu và thương mại điện tử được xem là “chiếc phao” cứu lấy nhiều doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản.

Thương mại điện tử “cứu sống” doanh nghiệp bên bờ phá sản - 1

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng thương mại điện tử.

 Cuộc “giải cứu” ngoạn mục

Trong hội thảo trực tuyến dành cho doanh nghiệp bán hàng “New and Now 2020 Go Export”, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang tìm nhiều cách để xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn ra thị trường thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Bà Lã Kim Nhung, chủ một doanh nghiệp đồ gỗ nội thất cho biết, những ngày đầu thành lập công ty, bà cũng phải đi tìm kiếm khách hàng từ những con số 0.

Doanh nghiệp phải tìm đến những hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để tìm khách hàng. Tuy nhiên, chi phí tham gia các hội chợ triển lãm rất lớn, trong khi thời gian diễn ra hội chợ chỉ vỏn vẹn 3 – 4 ngày khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm đối tác.

“Kể cả tìm được khách hàng thì chưa chắc khách hàng đã phù hợp với sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi cũng tìm hiểu, tham gia vào những hiệp hội, diễn đàn chuyên ngành. Tuy nhiên, rất khó để tìm kiếm được người mua, khách hàng tiềm năng từ những hiệp hội, diễn đàn này”, bà Nhung nói.

Theo bà Nhung, bà cũng đã làm nhiều cách khác nhau để tìm kiếm đối tác nhưng đều không khả thi. Cuối cùng, bà đã thử đăng ký làm thành viên của một trang thương mại điện tử dành cho người bán buôn, bán sỉ để tìm kiếm khách hàng.

Sau 2 tháng, bà Nhung có đơn hàng đầu tiên từ Úc và nhiều đơn hàng khác từ các quốc gia trên thế giới.

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả người mua, người bán trên toàn cầu và chúng tôi cũng vậy. Những đơn hàng của chúng tôi đều bị hoãn lại, đơn hàng mới thì bị tạm ngưng. Chúng tôi đang nghe ngóng tình hình và chịu áp lực phải tăng thêm nhiều đơn hàng, tăng doanh thu mới để lấp vào những lúc thị trường bị ngưng trệ”, bà Nhung nói.

Cũng theo bà Nhung, vào thời điểm hiện tại, nếu không có kinh doanh online thì tình hình còn tệ hơn bởi những chuyến bay bị hủy, những hội chợ không được tổ chức, việc gặp gỡ đối tác tại nhà máy của doanh nghiệp cũng không tổ chức được…

Trong tháng 2 và tháng 3/2020, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp bà Nhung vẫn không bị ảnh hưởng nhiều dù người mua chủ yếu là làm việc ở nhà.

Bà Nhung nhận định, việc tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử khá dễ dàng. Người bán chỉ việc đăng sản phẩm có hình ảnh “bắt mắt”, đúng “từ khóa” của người mua tìm kiếm.

Sau khi tiếp cận được với khách hàng, người bán sẽ gửi báo giá chi tiết, thời gian giao hàng, nhận đơn hàng, sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, giao hàng và nhận tiền thanh toán.

Theo bà Nhung, việc quan trọng khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là phải có hình ảnh sản phẩm chi tiết, rõ ràng, đẹp mắt. Việc phản hồi với người mua phải thật nhanh chóng, tránh để người mua chờ đợi 1 – 2 ngày, thậm chí là cả tuần sẽ mất đi cơ hội của nhà cung cấp...

Thương mại điện tử “cứu sống” doanh nghiệp bên bờ phá sản - 2

Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam được kinh doanh "rầm rộ" trên các trang thương mại điện tử bán buôn, bán sỉ.

Bà Trần Bảo Ngọc, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất lông mi nhân tạo chia sẻ, doanh nghiệp của bà chuyên xuất khẩu lông mi thủ công qua các thị trường Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…

Trước đây, doanh nghiệp bà đã có giai đoạn “hấp hối” vì không thể tìm ra đơn hàng xuất khẩu dù doanh nghiệp đã gửi hàng trăm email đến các đối tác và người mua. Công nhân cũng chán nản nghỉ việc, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

“Trong một lần tìm kiếm trên mạng thì tôi đã vào một trang thương mại điện tử dành cho nhà bán buôn, bán sỉ. Dù là khá rủi ro nhưng tôi vẫn đăng ký làm thành viên của sàn thương mại điện tử này và tham gia vào các khóa đào tạo của sàn. Sau một tuần đăng ký thì tôi đã có khách hàng thăm dò, tìm hiểu sản phẩm. Sau 3 tuần thì tôi có 2 đơn hàng từ Bỉ và Nga”, bà Ngọc nói.

Theo bà Ngọc, sau 2 tháng “chào hàng” trên sàn thương mại điện tử, bà đã tìm được rất nhiều đối tác và xuất khẩu được nhiều đơn hàng đến Châu Âu và Nga. Từ quy mô 20 công nhân, doanh nghiệp đã tăng lên 100 công nhân. Chính sàn thương mại điện tử đã “cứu sống” doanh nghiệp của bà.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong hội thảo trực tuyến, họ đang tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hiệu quả nhờ nền tảng thương mại điện tử dành cho người bán buôn, bán sỉ.

Giới kinh doanh cho rằng, tại Việt Nam có khá nhiều sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn là không nhiều. Chủ yếu là những đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp hoặc trọng lượng chỉ dưới 10kg.

Xuất khẩu qua TMĐT đang dần “thông thoáng”

Ông Kuo Yiling, Trưởng đại diện của Alibaba.com tại Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi làm chủ doanh nghiệp thông qua mạng internet.

Mô hình bán buôn trên mạng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá dễ dàng thực hiện. Tại Alibaba.com có đến 49% người dùng có độ tuổi từ 18 – 34 tuổi và 80% người dùng sử dụng điện thoại di động.

Hiện nay, các nhà cung cấp Việt Nam có 600.000 sản phẩm trên Alibaba.com và bình quân mỗi tháng sẽ có khoảng 50.000 yêu cầu báo giá từ khắp nơi trên thế giới.

“Tôi biết, các nhà cung cấp “khổng lồ” thường dùng phương pháp truyền thống để kinh doanh như quan hệ cá nhân, Marketing truyền miệng hay đến triển lãm thương mại… Trong khi đó, phương pháp truyền thống tốn khá nhiều chi phí và ít có hiệu quả hơn Digital Marketing – tiếp thị kỹ thuật số”, ông Kuo Yiling nói.

Theo ông Kuo Yiling, thương mại điện tử là lựa chọn tốt để thúc đẩy việc kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Các nền tảng thương mại điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi doanh nghiệp của Việt Nam trong tương lai.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch trong phương thức hoạt động kinh doanh, đó là sử dụng ứng dụng thương mại điện tử. Việc này đang rất được quan tâm và được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ.

Trong câu chuyện hỗ trợ cho xuất khẩu thì mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 431/QĐ-Ttg ban hành ngày 27/3/2020. Đây là Quyết định Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động Thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phạm vi của Quyết định này là các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng. Các giao dịch có thông tin về đơn hàng gửi trước đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của Quyết định 431 là tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa.

“Đối với những sản phẩm thương mại điện tử có giá trị thấp, cần giải quyết thông quan nhanh thì không thể nào xem nó như một lô hàng lớn, nặng cả tấn nằm trong các container được. Khi có Quyết định 431 thì chúng ta sẽ thông quan hàng hóa được nhanh chóng hơn”, ông Dũng nói.

Đại Việt