Thương mại điện tử Việt sẽ sớm "vượt mặt" Thái Lan
(Dân trí) - "Tại nhiều sự kiện quốc tế, nhiều bạn quốc tế nói rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế có giá trị thương mại điện tử lớn thứ hai khu vực, chỉ sau Indonesia", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ.
Tại hội thảo Kinh tế số với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 2/10, các chuyên gia, nhà kinh doanh thương mại điện tử đã chia sẻ nhiều về kinh tế số trong thương mại điện tử ở Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, năm 2018, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD và với tốc độ phát triển hiện nay dự kiến năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% và trên 30%/năm thì rất gần đây thôi – là năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 13 tỷ USD.
Ông này cho biết: Gần đây tại nhiều sự kiện quốc tế, nhiều bạn quốc tế nói rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế có giá trị thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau Indonesia.
Về nguồn lực và điều kiện hiện thực hóa thị trường thương mại điện tử khổng lồ ở Việt Nam theo ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nói: Số lượng người dùng ứng dụng di động tại Việt Nam tăng mạnh, đi cùng với đó là sự phát triển của hạ tầng viễn thông 3G, 4G, và sắp tới là 5G. Với hơn 64 triệu người sử dụng Smartphone có kết nối 3G, 4G tiến tới là 5G chắc chắn đây là điều kiện rất tốt để phát triển thương mại số, kinh tế sô.
Ông Thành cho biết, cuộc cạnh tranh về giá khiến số lượng bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, sự bùng nổ Internet, thiết bị di động (smartphone) cũng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều trang bán hàng trực tuyến tham gia thị trường; xu hương mua bán trên mạng xã hội cũng kích thích thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát triển ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM (chiếm 70% giao dịch) và một số tỉnh năng động liền kề. Trong khi đó, miếng bánh của thị trường này còn vô cùng lớn nếu nhìn tỷ trọng ở hầu hết các tỉnh thành còn lại vẫn chỉ chiếm giá trị rất nhỏ trong tổng giá trị thương mại điện tử hiện nay.
"Nếu phát triển được ở quy mô toàn quốc thì tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử của Việt Nam còn lớn gấp nhiều lần mức đã rất cao hiện nay", ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media nói.
Về nguồn đầu tư, theo các chuyên gia hiện thương mại điện tử Việt đang có sức hút rất lớn từ nước ngoài lẫn các nhà đầu tư lớn trong nước.
Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng 5,3 lần trong 7 năm tới, từ mức 2,8 tỷ USD năm 2018 dự tính lên 15 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên bán lẻ sẽ tăng từ 3% năm 2018 lên hơn 10% năm 2025.
Ông Trần Hải Linh, đại diện Công ty Sen Đỏ cho hay: Các nhà đầu tư đánh giá thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng hơn 40%, cao nhất trong khu vực. Năm 2018, Việt Nam thu hút vốn ngoại vào ngành này đạt 900 triệu USD.
"Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, là cơ hội lớn cho Sen Đỏ, Tiki, Momo... thu hút lượng vốn để mở rộng thị trường", ông Linh nói.
Theo đại diện Sen Đỏ, lâu nay nói về thương mại điện tử, chúng ta thường nói là "cuộc đua" của người có tiền. Nhưng trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp hành công, có lãi và phát triển nhanh mà họ là doanh nghiệp nhỏ nhưng không ngừng lớn mạnh vì có cách làm khôn ngoan, thấu hiểu khách hàng.
Ông Linh cho biết, Alibaba của Trung Quốc hiện cam kết đưa hàng hóa đến khách hàng trên toàn thế giới trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam buộc phải chấp nhận cuộc chơi này, dù đây là thách thức rất lớn.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, các chuyên gia, người trong cuộc bày tỏ rõ những hạn chế của thương mại điện tử Việt Nam như thanh toán tiền mặt, chất lượng hàng hóa, niềm tin người tiêu dùng bị xói mòn, quan hệ người bán hàng lẫn khách hàng không nhiều ràng buộc khiến số đơn hàng bị hủy, chất lượng đơn đặt hàng yếu và khả năng bảo mật thanh toán hạn chế...
"Về lâu dài, nếu tháo gỡ, giải quyết được mấu chốt này sẽ tạo ra sức bật cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương nói.
An Linh