Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, “mỏ vàng” của doanh nghiệp Việt

(Dân trí) - Thị trường xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử có giá trị khoảng 3.000 tỷ USD. Đây là “mỏ vàng” thật sự để doanh nghiệp Việt khai thác trong thời gian tới.

Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, “mỏ vàng” của doanh nghiệp Việt - 1

Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng đến.

Trong chương trình Vietnam Ecommerce Startup Accelerator (VeSA) – Xúc tiến khởi nghiệp thương mại điện tử Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, thương mại điện tử đang khiến cuộc sống con người thay đổi “chóng mặt”.

Ông Nhân Lê, đại diện một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho biết, trước đây, người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử luôn khuyến khích người dân thanh toán online. Đến nay đã có 40% khách hàng thanh toán bằng ví điện tử thông qua sàn thương mại điện tử của ông.

Người dân có thể mua xe máy, ô tô thông qua sàn thương mại điện tử một cách dễ dàng và thanh toán tiện lợi.

“Chúng tôi tạo ra sự khác biệt bằng cách luôn trung thực với khách hàng, bán hàng chính hãng. Nếu phát hiện hàng giả sẽ hoàn trả 111% giá trị món hàng cho khách. Những giải pháp giúp giao hàng nhanh hơn cũng chính là một lợi thế trong kinh doanh của chúng tôi”, ông Nhân Lê nói.

Cũng theo ông Nhân Lê, hiện nay, số đơn hàng giao đúng hạn của doanh nghiệp ông đạt 97% và phần lớn là đơn hàng giao trong vòng 2 giờ. Các trung tâm chăm sóc khách hàng cũng phải liên tục làm việc để giải quyết các vấn đề của khách hàng.

Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, “mỏ vàng” của doanh nghiệp Việt - 2

Chương trình Xúc tiến khởi nghiệp thương mại điện tử Việt Nam diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, “mỏ vàng” của doanh nghiệp Việt - 3

Các diễn giả tham gia chương trình chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh: Đại Việt

Bà Hiền Nguyễn, đại diện một sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới tại Việt Nam chia sẻ, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đang là xu thế của nhiều doanh nghiệp hay còn gọi là xuất khẩu xuyên biên giới.

Xuất khẩu xuyên biên giới là tất cả sản phẩm, chương trình khuyến mãi được thực hiện trực tuyến, khách hàng đều có thể phản hồi về sản phẩm và giá cả được doanh nghiệp quyết định, điều này giúp doanh nghiệp quyết định được tỉ suất lợi nhuận.

“Xuất khẩu xuyên biên giới có trị giá khoảng 3.000 tỷ USD vì người mua hàng trực tuyến gia tăng nhanh chóng. Xuất khẩu xuyên biên giới không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mà còn hỗ trợ cả doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam”, bà Hiền Nguyễn nói.

Theo bà Hiền Nguyễn, thông qua sàn thương mại điện tử của bà đã có 200.000 doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 1 triệu USD/năm và số doanh nghiệp đạt mốc doanh thu này mỗi năm tăng khoảng 20%.

Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, “mỏ vàng” của doanh nghiệp Việt - 4

Bà Hiền Nguyễn, phát biểu trong chương trình. Ảnh: Đại Việt

Đại diện một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cho biết, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp đã tăng đột biến khi tham gia xuất khẩu xuyên biên giới. Doanh thu từ việc xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử chiếm 50 – 70% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc đã mở rộng diện tích nhà xưởng và tăng nhân công để phục vụ xuất khẩu.

Theo đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VeSA là chương trình xúc tiến ngành thương mại điện tử tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Châu Á đến kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và phát triển ở thị trường quốc tế.

Đại Việt