Thương mại điện tử - cơ hội lớn cho các sản phẩm, đặc sản địa phương
(Dân trí) - Thành công bước đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre trong việc tiếp cận mô hình kinh doanh thương mại điện tử đã tạo nên hiệu ứng tích cực đối với các tỉnh lân cận khu vực Tây Nam Bộ.
Thương mại điện tử (TMĐT) đã, đang và sẽ mở ra cơ hội để các sản phẩm, đặc sản địa phương hiện diện rộng khắp, không những tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.
Từ Dừa Bến Tre tiên phong đẩy mạnh mô hình TMĐT trong kinh doanh…
Quay trở lại Bến Tre sau “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” được tổ chức vào ngày 20/5/2019, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng và thay đổi của các doanh nghiệp nơi đây. Bến Tre là tỉnh tiên phong trong chuỗi sự kiện “Làng nghề đặc sản online” thuộc dự án “phát triển thương mại điện tử bền vững” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khởi xướng, đồng hành với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT như Lazada Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Sapo, Fado, IMGroup, Mắt bão, Vietnam Digital 4.0... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh.
Tham gia dự án “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” đã có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre bán hàng trên sàn TMĐT lazada.vn vừa qua. Kết quả bán được 461 sản phẩm trong ngày chạy “flash sale” 25/4. Trong sự kiện đặc biệt 20/5 “Ngày của làng dừa Bến Tre online” đã đưa 289 loại sản phẩm lên Lazada và bán được 1877 sản phẩm. Đây là số liệu vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh nhưng bù lại, dự án đã xây dựng thành công một mô hình hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT với doanh nghiệp địa phương cùng cam kết hỗ trợ của chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở để mở rộng ra những địa phương khác.
Là đơn vị tham gia chương trình, bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Dừa Phú Long (myphamduaphulong.vn) chia sẻ: “Nhờ chương trình, chúng tôi đã đạt được mục tiêu bước đầu trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng hình ảnh của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng”.
Bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc công ty TNHH Chế biến sản phẩm Dừa Cửu Long (matnaduacuulong.vn) cho rằng: “Doanh nghiệp ngoài bán hàng cũng phải rất quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, hình ảnh của mình trên TMĐT để tránh thiệt hại về kinh tế”. Bà Hồng cho hay, khi tham gia chương trình và được tư vấn về bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, bà đã đăng ký ngay tên miền “.VN” cho doanh nghiệp mình. Kinh nghiệm của các Công ty đã triển khai TMĐT cho thấy, sử dụng Website với tên miền quốc gia Việt Nam ".VN" chính là chỉ dẫn địa lý tin cậy và hữu hiệu nhất cho các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo báo cáo tổng kết của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, chủ đề “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” thu hút sự quan tâm theo dõi của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ngành dừa Bến Tre đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tăng doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường TMĐT trong và ngoài nước. Trong quá trình triển khai, Sở Công thương Bến Tre và BTC triển khai dự án cũng ghi nhận những khó khăn gặp phải như: tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực hiểu biết, am hiểu về TMĐT; doanh nghiệp cần hỗ trợ thì không biết hỏi ai tư vấn...
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam: “Những khó khăn và kết quả chưa như kỳ vọng từ địa phương đầu tiên là tỉnh Bến Tre áp dụng mô hình TMĐT trong kinh doanh sản phẩm từ dừa là điều có thể tiên đoán từ trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bắt tay làm thì những khó khăn đó không bao giờ vượt qua được. Quan trọng là chúng ta phải trải nghiệm để biết được những vướng mắc ở đâu để khắc phục, giải quyết. Và đặc biệt, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng địa phương như Sở Công thương, các hiệp hội, làng nghề địa phương cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT”.
Đến câu chuyện đặc sản của Đồng Tháp, An Giang và Long An…
Sau Bến Tre, VECOM đã hợp tác với Sở Công thương các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, những địa phương có rất nhiều đặc sản, làng nghề nhằm tổ chức hội thảo, trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng mô hình kinh doanh TMĐT. Và đó là cơ duyên để VECOM và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT tiếp cận để hỗ trợ đưa các sản phẩm làng nghề của những tỉnh này lên sàn TMĐT.
Gặp gỡ Sở Công thương Đồng Tháp và Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hình ảnh VECOM
Đặc điểm chung của các tỉnh nói trên là có nhiều sản phẩm, đặc sản đặc trưng, chẳng hạn: Đồng Tháp nổi tiếng với các sản phẩm làm từ sen. Ngoài sen, Đồng Tháp còn có các làng nghề truyền thống như: dệt chiếu ở Định Yên, Định An huyện Lấp Vò, làng trồng hoa và làm bột ở Sa Đéc, nghề làm Nem ở huyện Lai Vung…Còn khi nhắc đến An Giang, khách phương xa không thể quên được sản phẩm từ linh chi, bưởi sấy, xoài sấy, cá linh, tinh dầu, đồ mỹ nghệ… và Long An với trái thanh long, chanh không hạt, gạo, hạt điều, đậu phộng...
Một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh nói trên cũng đã biết ứng dụng các sàn, mạng xã hội và website để kinh doanh trực tuyến tuy nhiên việc ứng dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, quá trình áp dụng mô hình TMĐT vẫn còn nhiều vướng mắc. Đồng Tháp đã có sàn TMĐT riêng (dongthaptrade.com.vn) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuy nhiên tỷ lệ giao dịch thành công còn hạn chế.
Đại diện một doanh nghiệp lớn tại tỉnh là Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi (bichchi.com.vn) cho biết: “Doanh nghiệp đã có tuổi đời hơn 50 năm, rất lâu, nhưng thực sự TMĐT với doanh nghiệp vẫn còn mới. Mong muốn của doanh nghiệp là phát triển thị trường quốc tế, gia tăng tỷ lệ xuất khẩu nhưng đội ngũ nhân sự vẫn chưa theo kịp với TMĐT, cần sự tư vấn và hỗ trợ từ nhiều phía”.
Gặp gỡ Sở Công thương Long An và Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hình ảnh VECOM
Làm thế nào để làng nghề đặc sản phát triển được mô hình kinh doanh TMĐT?
TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại kinh tế số. Mô hình kinh doanh truyền thống đã cũ, tốn nhiều chi phí tổ chức bán hàng, nhân sự, hoa hồng... mà phạm vi phân phối sản phẩm bị bó hẹp, hiệu quả trong kinh doanh không cao. Nếu chỉ áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp các tỉnh miền Tây Nam Bộ chưa tiếp cận đầy đủ tới thị trường trong nước và còn khó khăn hơn với thị trường quốc tế, nơi mà các khách hàng quốc tế cũng rất yêu thích các sản vật đặc sản của Việt Nam nhưng chưa có điều kiện tiếp cận vì khó tìm kiếm.
Công ty Fado cho biết: Hiện nay có nhiều doanh nghiệp thương mại ở TP.HCM đã đưa các sản phẩm địa phương để xuất khẩu, nhưng chính các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thì lại chưa chú trọng việc này Có thể nói rằng, TMĐT chính là hướng đi ngắn nhất, nhanh nhất có thể đưa đặc sản Việt Nam đến mọi miền đất nước và bước ra thế giới.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp mỗi địa phương cần phải thay đổi tư duy, đón nhận và tận dụng cơ hội. Những doanh nghiệp tham gia vào dự án “Làng nghề Đặc sản Online” sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt trong việc hướng dẫn thủ tục mở gian hàng, các chương trình đào tạo bán hàng online, các hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý… Việc xuất khẩu hàng hóa trên các sàn TMĐT quốc tế cũng được hỗ trợ về mặt thông tin và thủ tục cần thiết.
Hữu Lý - Nam Khang