Thương hiệu “vang bóng một thời” Hanoimilk báo lỗ

(Dân trí) - Từng là 1 trong 3 doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên những năm gần đây, thương hiệu “vang bóng một thời” Hanoimilk liên tục báo lợi nhuận sụt giảm vì không bán được hàng.

Thương hiệu “vang bóng một thời” Hanoimilk báo lỗ - 1

Với các sản phẩm chủ lực như IZZI, Yotuti, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk – Mã CK: HNM) từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HNM ngày càng đi xuống.

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ HNM năm 2017 đạt 167,4 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2016. Còn lợi nhuận trước thuế lỗ 371 triệu đồng.

Riêng trong quý/2017, doanh thu bán hàng HNM đạt 38,6 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng năm trước và lỗ 0,7 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo HNM cho biết, nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh khá “bết bát” là do doanh thu bán hàng giảm mạnh. Riêng trong quý 4, doanh số giảm mạnh do thị trường sữa vào mùa đồng giảm nhiều hơn so với mùa hè.

Giải trình về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo HNM cũng không ngại ngần mà thẳng thắn thừa nhận “do hệ thống bán hàng yếu kém nên không bán được hàng”.

Bên cạnh đó, mặc dù chi phí giá vốn vẫn tương đối ổn định ở mức 72% do sản xuất ít, chi phí tăng tài chính, chi phí quản lý và chi phí bán hàng đều tăng.

Theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2017, HNM đặt ra doanh thu bán hàng năm 2017 là 328 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 3,7 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy HNM lại tiếp tục “lỡ hẹn” kế hoạch về “đích”.

Trước đó, năm 2016, HNM chỉ đạt doanh thu 256 tỷ đồng, giảm 17,5% so với thực hiện năm 2015 và chỉ hoàn thành 71,1% kế hoạch đề ra. Tương tự, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn gần 1,8 tỷ đồng, hoàn thành phân nửa kế hoạch. Trong nhiều năm trước đó, lợi nhuận HNM chỉ quanh mức 1-3 tỷ đồng.

Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT của HNM cũng từng cho biết các đối thủ cạnh tranh tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại lớn cho cả người tiêu dùng và cửa hàng trong khi HNM thì không có đủ nguồn lực. Công ty cũng không thể chi các khoản marketing khổng lồ cho các chương trình PR và quảng cáo để đẩy doanh số.

Chủ tịch HNM cũng thừa nhận, hệ thống bán hàng của công ty hoạt động còn kém hiệu quả, nhiều nhân sự bán hàng không đạt chỉ tiêu, không chấp nhận hưởng lương khoán nên xin nghỉ việc.

Báo cáo tài chính năm 2017 của HNM cũng thể hiện rõ điều này, theo đó, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với năm 2016. Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2017 của HNM là 27 tỷ đồng, trong khi năm 2016 con số này là gần 34 tỷ đồng. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp của giảm từ gần 15 tỷ đồng năm 2016 còn hơn 9 tỷ đồng trong năm 2017.

Trong nghị quyết ĐHCĐ được thông qua, HNM vẫn kỳ vọng sẽ vực dậy tình hình kinh doanh qua sản phẩm từng được trẻ em mọi miền biết đến – đó là IZZI.

Theo đó, HNM cho biết tiếp tục phát triển thương hiệu sữa IZZI thành thương hiệu sữa trẻ em hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra tái định vị thương hiệu Hanoimilk bằng việc tung ra các sản phẩm sữa chua ăn hoa quả, đẩy mạnh doanh số bán hàng trong nước…

Nguyễn Khánh

Thương hiệu “vang bóng một thời” Hanoimilk báo lỗ - 2