Thuế quan với Trung Quốc khiến Mỹ trả giá đắt với cuộc chiến chống Covid-19

(Dân trí) - “Nếu không có thuế quan, Mỹ sẽ có vị trí tốt hơn trong cuộc chơi đấu thầu này, khi rất nhiều quốc gia tranh giành nhập khẩu các sản phẩm y tế quan trọng từ Trung Quốc”.

Mỹ và Trung Quốc đã bị kéo vào một cuộc chiến thuế quan leo thang kể từ năm 2018. Trong đó, nhiều vòng thuế quan đã được áp dụng cho các vật tư y tế thiết yếu từ Trung Quốc bao gồm quần áo bảo hộ y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), hệ thống chăm sóc sức khỏe và khẩu trang y tế dùng một lần.

Thuế quan với Trung Quốc khiến Mỹ trả giá đắt với cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Trong khi đó, căn bệnh do virus corona lây lan nhanh chóng đã khiến Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất. Theo dữ liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins, hiện có hơn 555.000 trường hợp được báo cáo và hơn 22.000 trường hợp tử vong ở Mỹ.

“So với các quốc gia khác có cách tiếp cận nhập khẩu linh hoạt hơn đối với PPE, việc áp thuế quan đã khiến Mỹ khó khăn thêm trong sự chuẩn bị và ứng phó đối với dịch bệnh”, Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với CNBC trong email .

“Nếu không có thuế quan, Mỹ sẽ có vị trí tốt hơn trong trò chơi đấu thầu này, với việc rất nhiều quốc gia tranh giành nhập khẩu các sản phẩm y tế quan trọng từ Trung Quốc”, ông nói thêm.

Các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã báo cáo rằng số lượng giường dành cho bệnh nhân chăm sóc đặc biệt đang cạn kiệt, trong khi Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cảnh báo rằng khẩu trang sắp cạn kiệt khi nguồn lực của bệnh viện thành phố bị kéo dài.

Với sự bùng phát dịch mạnh mẽ ở các thành phố lớn và tiểu bang, các nhân viên y tế cũng đã tranh giành đồ bảo hộ và phải đấu tranh với tình trạng thiếu thiết bị y tế khi số ca mắc bệnh tăng cao.

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế quan trọng khi căn bệnh này lan rộng vào tháng 1. “Quốc gia này đã tích lũy một lượng lớn thiết bị bảo vệ cá nhân, mà các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Mỹ hiện đang có nhu cầu cấp bách”, Susan Shirk, cựu phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao của chính quyền Clinton, cho biết trong email gửi tới CNBC.

“Bất kỳ trở ngại nào trong cách nhập khẩu nhanh chóng các thiết bị này có thể khiến nhiều người chết vì căn bệnh này”, ông nói thêm, Shirk hiện đang là giáo sư nghiên cứu tại Đại học California San Diego và cũng là chủ tịch của Trung tâm Đại học Thế kỷ 21.

Trong một báo cáo trước đó, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) đã cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump có thể làm tê liệt cuộc đấu tranh chống lại đại dịch virus corona của Mỹ.

Kể từ ngày 13/3, 3,3 tỷ USD hàng nhập khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe quan trọng vẫn phải đối mặt với mức thuế 7,5%, trong khi 1,1 tỷ USD vật dụng y tế nhập khẩu để chống lại Covid-19 vẫn phải chịu mức thuế 25% - ngay cả sau khi chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm và đình chỉ một số mức thuế tạm thời.

“Việc áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm y tế của Trung Quốc có thể góp phần vào tình trạng thiếu hụt và chi phí cao hơn cho các thiết bị y tế quan trọng tại thời điểm khủng hoảng sức khỏe trên toàn quốc”, Chad Bown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) đã nói.

Ông cho biết các chính sách thương mại của tổng thống Trump, đã buộc Bắc Kinh bán nhiều sản phẩm y tế của mình cho các nước khác thay vì cho Mỹ. Một số sản phẩm này bao gồm đồ bảo hộ cho bác sĩ và y tá và thiết bị công nghệ cao để theo dõi bệnh nhân.

Theo dữ liệu của PIIE, khoảng 100 tỷ USD đầu vào trung gian từ Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế 25%, làm tăng chi phí của các bộ phận và linh kiện cho các nhà sản xuất sản phẩm y tế của Mỹ.

Tạp chí Phố Wall cũng báo cáo rằng General Motors cũng đang phải tìm kiếm sự giảm thuế đối với một số loại phụ tùng máy thở có nguồn gốc từ Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế 25%, để giảm bớt gánh nặng sản xuất máy thở hỗ trợ cho Washington chống lại Covid-19.

Rào cản thương mại

Ngay từ năm 2018 và 2019, các nhà cung cấp sản phẩm y tế tại Mỹ đã cảnh báo về thuế quan đối với vật tư y tế, họ nói rằng việc này sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Khi tổng thống Trump ứng xử quá mạnh mẽ - không chỉ với Trung Quốc, mà còn với Liên minh châu Âu và Mexico - Washington sẽ dần hết thời gian và lựa chọn trong cuộc đua ngăn chặn sự bùng phát của virus corona”, các chuyên gia nói.

Theo Robert Zoellick, cựu chủ tịch của Ngân hàng Thế giới và cựu phó thư ký của Mỹ, “đe dọa thuế quan của Mỹ đối với Mexico – nơi là nguồn cung cấp PPE và quần áo bảo hộ y tế lớn thứ hai cho Mỹ - đã làm giảm khả năng nhập khẩu của các mặt hàng này”.

Washington cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc có được nguồn cung cấp y tế “rất cần thiết” từ EU, bao gồm thiết bị X-quang và chất khử trùng tay.

Kể từ đầu năm, hơn 50 quốc gia - bao gồm Pháp và Hàn Quốc - đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu vật tư y tế, theo một nghiên cứu của Global Trade Alert phối hợp với Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ. Điều đó tiếp tục hạn chế việc nhập khẩu thiết bị y tế nước ngoài của Mỹ.

Thùy Dung

Theo CNBC