1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai

Thuê đất làm thủy điện, sau 3 năm rừng mất, thủy điện chưa thấy đâu!

(Dân trí) - Sau khi được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cấp phép và giao cho Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng thuê gần 80ha đất, trong đó có 30ha đất rừng để làm thủy điện. Tuy nhiên sau 3 năm được giao đất, thủy điện không thấy mà rừng được giao đã trọc gần hết.

Trước đó, ngày 25/5/2010, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 89/QĐ-UBND về việc thu hồi 42,6920 ha đất của các tổ chức và địa phương đang quản lý; cho phép chuyển mục đích sử dụng 79,5979 ha đất các loại và cho Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng (CTCPTĐKH) thuê để xây dựng các hạng mục công trình chính, phụ trợ của Nhà máy thủy điện Ia Glae – huyện Chư Prông.

Trong gần 80ha đất mà UBND tỉnh Gia Lai cho CTCPTĐKH thuê thì có 30,2218 ha đất rừng (RIIIA1, RIIB), vị trí là khu vực giáp ranh giữa xã Ia Vê và Ia Gla (Chư Prông, Gia Lai).

Tuy nhiên, sau khi được thuê đất, gần 3 năm trôi qua mà công ty không hề triển khai xây dựng dự án. Vì vậy, ngày 11/6/2013, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư thủy điện Ia Glae 2 của CTCPTĐKH.

Điều đáng nói, sau khi chấm dứt dự án, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai thực hiện kiểm kê rừng thì phát hiện có 23,6 ha rừng trong tổng số hơn 30 ha rừng mà UBND tỉnh giao cho công ty đã bị “biến mất”.

Văn bản cho thuê đất có rừng của UBND tỉnh Gia Lai đối với Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng
Văn bản cho thuê đất có rừng của UBND tỉnh Gia Lai đối với Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng

Trước sự việc trên, ông Dương Viết Quyết - Trưởng phòng Kỹ thuật CTCPTĐKH cho biết, dự án thủy điện Ia Glae 2 có công suất 9 MW, với tổng số vốn 225 tỷ đồng, và dự kiến vay của ngân hàng khoảng 70% trong tổng số vốn đầu tư trên. Tuy nhiên, sau khi đơn vị được phê duyệt dự án thì thời điểm này lãi suất ngân hàng quá cao khiến việc vay vốn của công ty gặp khó khăn. Vì vậy, thủy điện đã không được triển khai.

Còn việc rừng bị mất sau khi giao cho công ty, ông Quyết giải thích là do người dân địa phương phá làm nương rẫy. Phía công ty sẽ trồng lại rừng và chờ cơ quan chức năng kiểm đếm lại rừng, số củi, gỗ bị mất và đền theo quy định. Và hiện tại, công ty đang xin lại UBND tỉnh Gia Lai dự án thủy điện trên để triển khai xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thắng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, khi CTCPTĐKH được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án thủy điện thì ông không phụ trách khu vực nên không biết. Đến năm 2014, cơ quan chức năng đi kiểm kê rừng ở khu vực trên thì mới biết rừng bị mất và không biết rừng bị phá hồi nào. Bản thân ông Thắng cũng mới lên giữ chức vụ Hạt trưởng được vài tháng, còn những cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Ia Vê, Ia Gla đã điều chuyển đi nơi khác.

Mặt khác, UBND tỉnh có văn bản giao Sở NN&PTNT phụ trách xác minh vụ việc, Hạt chỉ nhận được giấy mời phối hợp với Sở để đi xác minh và hiện chưa có kết quả, và biên bản xác minh vụ việc.

Liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Chư Prông, các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh, tính toán giá trị cụ thể của 23,6 ha rừng đã bị chặt phá, trong đó cần phải nêu rõ các căn cứ có liên quan; trách nhiệm của đơn vị, cơ quan có liên quan để xảy ra việc chặt phá diện tích rừng này.

Đồng thời, CTCPTĐKH có trách nhiệm lập điều chỉnh phương án xây dựng thủy điện Ia Glae 2 để không ảnh hưởng đến diện tích 6,6 ha rừng tự nhiên còn lại, trong đó phải làm rõ ảnh hưởng đến môi trường của phương án điều chỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở TN&MT, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/10/2016.

Tuệ Mẫn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm