Thực phẩm vào mùa Tết

Từ giữa tháng 12, thị trường thực phẩm Tết đã bắt đầu sôi động. Tại TP.HCM, tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng Tết tăng khoảng 60% so với năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng như bánh mứt, lạp xưởng, củ kiệu, tôm khô, chả giò, chả lụa tươi…hút khách.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, nguồn cung thực phẩm sẽ không thiếu và giá thực phẩm cũng ít biến động trong dịp Tết Nguyên Đán. Về nguồn cung thực phẩm dịp Tết, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khẳng định, 2 mặt hàng thực phẩm là gia súc, gia cầm sẽ không sốt hàng, không tăng giá đột biến vào cuối năm. Các tỉnh, thành đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đến nay 21 tỉnh có chương trình bình ổn giá.

Trong khi đó, khảo sát tại các siêu thị lớn ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu đối với các mặt hàng truyền thống như bánh mứt, lạp xưởng, củ kiệu, tôm khô, chả giò, chả lụa tươi… đã bắt đầu tăng.

Mùa Tết – mùa chả lụa

Theo ước tính, mỗi năm có đến hàng ngàn tấn chả lụa được tung ra thị trường, bởi đây là những món ngon không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Xuân. Hầu hết các cơ sở đều tăng năng suất tối đa để chuẩn bị đủ lượng hàng cung cấp, dự kiến sẽ tăng cao so với mọi năm.

Rộn ràng thực phẩm vào mùa Tết


Tuy nhiên, giá cả thì rất vô chừng, đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm cũng muôn hình vạn trạng. Chưa kể, kết quả những cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm luôn đưa ra những con số đáng báo động khi hầu hết mẫu chả lụa của các cơ sở chế biến đều nhiễm vi khuẩn, chứa hàn the, phụ gia độc hại… Điều này càng khiến cho người tiêu dùng băn khoăn hơn khi chọn chả lụa vào dịp Tết.

Chị Thanh Lan (nhân viên kế toán, Q.3, TP.HCM) cho biết: “Năm nào nhà tôi cũng cần hơn chục ký chả lụa đủ loại để vừa ăn, vừa biếu. Chả lụa đặt hàng cơ sở thì có thể ngon vì thường làm theo kiểu truyền thống, không bao gói bằng nilon làm mất đi mùi lá chuối vốn có của chả lụa, nhưng không biết có đảm bảo vệ sinh không. Năm vừa rồi, tôi chuyển sang hàng chế biến sẵn ở siêu thị thì thấy công nghiệp quá nên ăn mất cả ngon. Thời buổi này thật khó tìm được món ăn truyền thống ngày Tết vừa ngon, vừa an toàn”.

Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Có thể thấy việc chọn thực phẩm Tết đậm tính truyền thống từ hình thức đến chất lượng đang là xu hướng nổi trội, bởi người tiêu dùng đang dần hoài nghi những thực phẩm “xanh đỏ” và ưa chuộng vị ngon tự nhiên.

Theo bà Trần Thị Hòa Bình – Tổng Giám Đốc Công ty thực phẩm Cầu Tre, chế biến đúng truyền thống để ngon và an toàn thì giá thành khá cao đồng thời phải đáp ứng quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

“Chả lụa tươi theo đúng truyền thống phải luôn đảm bảo độ tươi. Thịt heo tươi vừa xẻ còn nẩy trên mặt thớt, quết giã nhanh tay để kịp gói trong lá chuối hột tươi, tạo cho món ăn hương thơm và màu áo xanh đẹp mắt. Mọi công đoạn đều diễn ra trong thời gian cố định, giúp sản phẩm tươi ngon, đậm đà hương vị truyền thống, không thêm phụ gia, chất bảo quản mà vẫn có thể bảo quản được lâu”, bà Bình chia sẻ.

Rộn ràng thực phẩm vào mùa Tết


Tuy nhiên, để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon lại vừa có giá thành cạnh tranh không phải điều đơn giản. Đặc biệt khi phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều nhãn hàng khác nhau nên không ít những cơ sở đã sử dụng cách thức chế biến “hiện đại”, thu gọn các công đoạn hoặc lựa chọn những nguyên liệu kém tươi để hạ giá thành sản phẩm.

Với Cầu Tre, bà Bình chia sẻ, lại có cách làm khác, đó là sự giao thoa giữa cách làm truyền thống và phương thức hiện đại. Một mặt Cầu Tre vẫn giữ cách làm truyền thống đó là đảm bảo các quy trình sản xuất nghiêm ngặt và chuẩn xác từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, nhưng mặt khác công ty vẫn sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại trong các khâu đóng gói và thanh trùng nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chính vì sự tỉ mẩn và khắt khe trong các công đoạn chế biến đã giúp chả lụa tươi Cầu Tre nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường”, bà Bình tự hào chia sẻ.

Hải Anh