“Lạnh xương sống” với thực phẩm bẩn

“Không chỉ thịt mà rau, gạo, hoa quả cũng có vấn đề. Cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà tôi lạnh cả xương sống” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thốt lên

Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản đã diễn ra sáng 5/11 tại Hà Nội với nhiều âu lo về độ an toàn của bữa ăn hằng ngày.

Không để 1 người đầu độc nhiều người

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết qua giám sát trên diện rộng 9 tháng đầu năm cho thấy tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khá cao. 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Quá trình kiểm tra còn phát hiện nhiều chất không rõ nguồn gốc được sử dụng trong chăn nuôi.


Chà bông được sản xuất hết sức mất vệ sinh tại một cơ sở ở TP HCM Ảnh: Ngọc Ánh

Chà bông được sản xuất hết sức mất vệ sinh tại một cơ sở ở TP HCM Ảnh: Ngọc Ánh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tỏ ra không hài lòng với lực lượng thực thi công vụ. Theo bộ trưởng, qua việc lấy 1.000 mẫu nước tiểu của heo để kiểm tra chất cấm thì phát hiện có hơn 20% số mẫu dương tính, chứng tỏ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cách đây 10 năm đang trở lại ngày càng nghiêm trọng hơn. “Chúng ta đã hô hào nhiều nhưng công việc ì ạch, chuyển biến chậm” - ông Phát bức xúc.

Không phải riêng thịt, với rau, gạo, hoa quả hiện nay cũng có vấn đề. “Tôi cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà lạnh cả xương sống. Sao mọi người lại có thể ác vậy? Nhẫn tâm hại người khác, đặc biệt là với những đứa trẻ mới sinh ra phải ăn những thứ rau, ăn thịt, ăn chuối đó thì quá ác. Đó là cái ác, mà đấu tranh với cái ác thì phải quyết liệt, không thể chấp nhận một người đầu độc nhiều người” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực sự làm ăn chân chính biết để làm, thiết lập kênh phân phối nông sản an toàn; chỉ rõ địa chỉ an toàn để người dân được biết, mua sản phẩm an toàn và yên tâm khi các cơ quan nhà nước nói là an toàn. Đồng thời, phải phát hiện, xử lý gắt gao vi phạm, đấu tranh với các hành vi nghiêm trọng, đặc biệt là sử dụng chất cấm và thuốc độc hại đã cấm như thuốc trừ cỏ.

Bên lề hội nghị, giám đốc một sở NN-PTNT ở miền Nam lo ngại bây giờ nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn. Thịt thì có chất tạo nạc, thủy sản thì có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, thậm chí đến hoa quả cũng ủ ướp toàn hóa chất độc hại.

“Giờ mỗi lần nhìn vào mâm cơm từ món chính, món phụ cho đến hoa quả tráng miệng mà thấy lạnh người và bất an vì toàn phải ăn thứ độc hại” - vị giám đốc sở nói.

Đợi chết người mới xử thì không ổn!

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, yêu cầu các sở, trước hết là ở Hà Nội và TP HCM, phải làm sao để từ giờ đến Tết Nguyên đán chỉ cho người tiêu dùng được vài địa điểm để có thể mua thực phẩm an toàn, có tem chứng nhận an toàn.

“Các sở NN-PTNT cứ nói có từng này cơ sở sản xuất rau theo chuẩn VietGap, có từng này cơ sở sản xuất gà sạch, heo sạch nhưng đến khi hỏi những thực phẩm đó bán ở đâu, làm sao để người mua biết và phân biệt được thì lại không nêu được địa chỉ cụ thể” - ông Tám băn khoăn.

Ông Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, khẳng định lực lượng công an sẽ tổ chức triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm trong thực phẩm, nhất là trong chăn nuôi và trồng trọt.

Theo quy định trong dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi quanh hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều cấu thành tội phải là gây hậu quả nghiêm trọng, có người chết, ngộ độc hàng loạt. “Nhưng có ai ăn phở đưa formaldehyde vào mà chết ngay đâu? Rồi có cơ sở mua 5 kg formaldehyde về sản xuất bánh phở nhưng không xử lý được; hàn the đưa vào giò chả, urê ướp vào cá nhưng cũng chưa xử lý hình sự được” - ông Bình nêu thực trạng.

Ông Bình đề nghị để xử lý tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải quy định chỉ cần đưa một hàm lượng chất cấm nhất định nào đó vào thực phẩm là đã cấu thành tội phạm, chứ đợi chết người mới xử thì không ổn.

Mổ heo bệnh chết đem bán

Trưa 5/11, Chi cục Thú y, Trạm Thú y Biên Hòa cùng Đội QLTT số 2 tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra cơ sở giết mổ tự phát tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do bà Phạm Thị Mai làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, có 3 nhân công đang mổ 2 con heo đã chết do mắc bệnh, đổi màu tím tái, tổng trọng lượng trên 200 kg. Ngoài ra, trong chuồng còn 5 con heo đang chuẩn bị giết mổ cũng không có giấy kiểm dịch.

Chủ cơ sở khai đã mua heo chết từ huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) về xẻ thịt chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ thịt và nội tạng của 2 con heo bệnh đã được mổ. Số heo không có giấy kiểm dịch cũng bị đưa về lò giết mổ tập trung để lấy mẫu xét nghiệm.

X.Hoàng

 

Theo Văn Duẩn
Người Lao động

 

“Lạnh xương sống” với thực phẩm bẩn - 2