Thúc đẩy nền văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững giúp gia tăng năng lực cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của Việt Nam.

Văn hóa kinh doanh có bản sắc định hình tương lai của Việt Nam

Diễn đàn đa phương (MSF) lần thứ 6 do Samsung Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa được tổ chức với chủ đề "Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới".

Từ năm 2018, Diễn đàn đa phương đã truyền cảm hứng cho các bên liên quan cùng hợp tác hành động và giải quyết các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Riêng năm 2023, Diễn đàn đa phương đã tập hợp các bên liên quan để khám phá tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc ở Việt Nam và các chiến lược tối ưu hóa các giá trị này, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo đó, trong một thế giới đang biến động phức tạp, Việt Nam vẫn đang có sự ổn định, bền bỉ, và những tiềm năng còn chưa khai phá hết. Giống như một con tàu cần bộ định vị bén nhạy và tin cậy để có thể vượt mọi sóng gió trong suốt hành trình, việc nhận thức và tối ưu được những đặc tính văn hóa trong điều kiện biến động có ý nghĩa bước ngoặt cho việc định hình tương lai của Việt Nam.

Không chỉ cần khẳng định bản sắc, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động Việt Nam còn cần tích hợp vào "bộ nhận diện" của mình các giá trị toàn cầu, bao gồm các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, thúc đẩy hợp tác toàn cầu một cách nhanh chóng hơn. Qua đó giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhiều thị trường khác nhau, từ đó góp phần thúc đẩy việc tạo ra các giá trị mới, và gia tăng mức độ thích ứng với các biến động của thời đại.

Thúc đẩy nền văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam - 1

Một phiên thảo luận tại Diễn đàn MSF 2023 (Ảnh: BTC).

Dấu ấn từ các doanh nghiệp tiên phong tạo bản sắc

Tại diễn đàn, lần đầu tiên một nghiên cứu đương đại về "Nhận diện văn hóa kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững, năng lực cạnh tranh" do các bên đồng tổ chức phối hợp thực hiện đã được công bố.

Kết quả cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động có nhận thức về văn hóa kinh doanh hướng tới bền vững tương đồng ở mức khá tốt, doanh nghiệp càng lâu năm thì thực hành văn hóa càng tốt, và càng hội nhập sâu thì doanh nghiệp càng thực hành văn hóa kinh doanh tốt. Những phát hiện của nghiên cứu được làm sáng tỏ qua chính những câu chuyện xây dựng văn hóa kinh doanh của những doanh nghiệp tiên phong tham gia diễn đàn.

Ông Nguyễn An Hải, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cổ phần Dệt may Hanosimex, đã khẳng định tổng công ty luôn coi văn hóa doanh nghiệp như một công cụ quản lý và tài sản xây dựng thương hiệu, và đặt người lao động vào vị trí trung tâm của văn hóa tổ chức. Tổng công ty còn đưa tiêu chí văn hóa doanh nghiệp và việc thúc đẩy tuân thủ bộ quy tắc ứng xử vào tiêu chuẩn bình xét danh hiệu thi đua của tập thể, gắn liền thi đua với hình thức khen thưởng theo quy định pháp luật.

Còn tại Samsung Việt Nam, một thành viên của Liên minh doanh nghiệp doanh nghiệp có Trách nhiệm (RBA), việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho cả nhân viên của Samsung và người lao động tại các công ty đối tác luôn là ưu tiên hàng đầu. Các giá trị cốt lõi của Samsung như "Con người", "Vươn tới đỉnh cao", "Thay đổi", "Tính liêm chính" và "Cùng thịnh vượng" được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nhấn mạnh: "Văn hóa tổ chức được đánh giá định kỳ thông qua chỉ số Văn hóa Samsung với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên. Quy trình này giúp chúng tôi xác định điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa tổ chức của mình, tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi. Samsung đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng nhân viên và người lao động có thể làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và tốt nhất, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội".

Thúc đẩy nền văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam - 2

Ông Lê Tùng Bách chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp của Samsung tại diễn đàn (Ảnh: BTC).

"Con người là giá trị được Samsung đặt lên hàng đầu trong số 5 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Đây là kim chỉ nam của doanh nghiệp tồn tại và phát triển vững mạnh cho tới nay. 'Không có niềm tin, không thể đồng hành, Không có chân thành, không thể làm tốt, Không có sáng tạo, không thể chiến thắng", ông Lê Tùng Bách, Giám đốc quan hệ lao động Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, chia sẻ tại diễn đàn.

Một văn hóa kinh doanh đặt con người ở vị trí trung tâm, thúc đẩy việc xây dựng các mối quan hệ tin cậy, chân thành, để hoàn thành sứ mệnh đồng hành với những con người giỏi nhất, sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, trong mối quan tâm số một tới môi trường là những gì Samsung mang tới chia sẻ tại diễn đàn này.

Tinh thần nhân văn này phù hợp với tính nhân đạo và đề cao lợi ích tập thể là các nét đặc thù của văn hóa kinh doanh Việt Nam, cũng là tinh thần chung được các đối tác, doanh nghiệp tiên phong, người tham dự diễn đàn đồng lòng chia sẻ và ủng hộ.