Thủ tướng: “Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào Việt Nam”

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - “Mặc dù rất khát khao làm giàu nhưng chúng ta không thể đón khách du lịch, không thể đánh đổi vì kinh tế, chủ quan lơ là với Coivid-19. Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào nước.”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy trong phiên Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021, sáng nay (2/11).

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, nhiệm kỳ này là một nhiệm kỳ rất khó khăn. Ở Việt Nam“đầu kỳ thì Fomosa, cuối kỳ corona hoành hành, hiện giờ bão lũ làm tanh bành”. Với kinh tế thế giới thì chưa bao giờ khủng hoảng lớn như hiện nay, so với những năm 2008 - 2009 thì khủng hoảng kinh tế lần này rất xấu.

Thủ tướng: “Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào Việt Nam” - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đề cập tới dịch Covid-19 ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội trong năm nay, Thủ tướng cho biết đã 2 lần Chính phủ phải đưa ra những quyết sách, chỉ đạo khẩn trương, cấp bách.

“Lần một là giãn cách xã hội trên cả nước, điều quan trọng nhất là lần 1 chúng ta làm sớm, rất kịp thời và ngăn chặn được. Đợi 2 dịch tái bùng phát sau 99 ngày. Khi đó, cả nước đang thực hiện mục tiêu kép. Dịch bùng phát ở thành phố trung tâm về du lịch là Đà Nẵng, vì vậy phải thực hiện “thần tốc, thần tốc hơn nữa” và khoanh vùng cách ly chứ không làm trên toàn quốc, bởi nếu làm trên toàn quốc thì giờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng âm”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Chống dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải tập trung phát triển kinh tế. Thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam. Hiện nhiều nước trên thế giới đang “vươn lên” về số lượng ca nhiễm, vì vậy Việt Nam không thể chủ quan, phải làm chặt chẽ, kiểm soát tốt dịch trong cộng đồng cả nước.

“Mặc dù rất khát khao làm giàu nhưng chúng ta không thể đón khách du lịch, không thể đánh đổi vì kinh tế, chủ quan lơ là với Coivid-19. Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào Việt Nam. Hiện tại chỉ cho chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư vào nước để làm ăn kinh doanh, ngoại trừ khách du lịch” - Thủ tướng nói.

Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng tái khẳng định báo cáo đã trình Quốc hội rằng Việt Nam 1 trong 2 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương, trong đó Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô lớn hơn Việt Nam. Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương, trong khi quốc gia du lịch Thái Lan tăng trưởng âm hơn 8,5%. Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới.

“Năm 2019 Việt Nam vượt Malaysia, năm nay Việt Nam vượt Singapore một cách tuyệt đối. Điều này không phải chúng ta tự đánh giá mà là Quỹ Tiền tệ quốc tế ghi nhận. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ vượt Philippines và quốc gia công nghiệp Thái Lan. Toàn dân tộc, quốc gia phải đoàn kết và vươn lên, nâng quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh” - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng: “Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào Việt Nam” - 2
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021

Trong đời sống kinh tế, Thủ tướng cho rằng hiện đã được nâng cao rất nhiều. “Nhiều người mua ô tô dễ như mua cái xe máy, thậm chí bây giờ có những nhà mấy ô tô. Tôi vẫn nhớ cách đây hai mấy năm tôi đi Thái Lan, thấy nước họ có điện thoại di động mà tôi ước mơ, nhưng bây giờ thì đã khác, mọi thứ phát triển quá nhanh” - Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, đợt dịch bệnh vừa rồi nông nghiệp là then chốt của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt là năm nay còn xuất khẩu gạo ngon, Đồng bằng Sông Cửu Long được mùa lúa gạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu một số thông tin kinh tế đáng chú ý, trong đó đầu tư xã hội chiếm hơn 34% GDP là nền tảng để phát triển; xuất khẩu vẫn tăng hơn 2,24% trong bối cảnh khó khăn hiện nay; xuất siêu đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD và dự kiến hết tháng 12 sẽ đạt 20 tỷ USD; chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ cố gắng giữ vững; đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam mua dự trữ tới 92 tỷ USD ngoại hối, đây là mức kỷ lục từ trước tới nay.