Thủ tướng: Thí điểm đón 2-3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, nhằm duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng.

Vốn FDI tăng 2%

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó dự đoán, gây bất ngờ cho các nước, trong đó có Việt Nam. Trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.  

Thu ngân sách mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân. 

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%, trong đó một số địa phương tăng ở mức cao như Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An tăng 23,1%; Hải Phòng tăng 20,6%; Bắc Ninh tăng 9,8%...

Thủ tướng: Thí điểm đón 2-3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển.

Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ... Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm, giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay mới đạt 40,6% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 7,94%. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm; tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp... 

Những giải pháp quan trọng

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm nay, Thủ tướng nêu rõ, trước mắt chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Thủ tướng: Thí điểm đón 2-3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc - 2

Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch. Bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. 

Thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm, dự kiến 2-3 triệu lượt người. Duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch. Có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.

"Phải có biện pháp thu phù hợp với tình hình khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, thu thuế trực tuyến để tránh thất thu và an toàn về phòng, chống dịch" - Thủ tướng lưu ý.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho hạ tầng cứng và mềm; nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.  

Có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành. Tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp.