1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng: Sẽ không tiếp tục "ném" tiền vào Gang thép Thái Nguyên

(Dân trí) - Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm ngành công thương diễn ra chiều nay (12/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ không tiếp tục “ném” tiền vào các dự án như Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”, Thủ tướng khẳng định.

Gần đây nhất là trong tháng 4/2016, việc đề nghị hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án mở rộng Nhà máy ở giai đoạn 2 đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận, giới chuyên gia kinh tế.

Cụ thể, trong báo cáo gửi lên Chính phủ hồi tháng 4/2016, SCIC - đơn vị đã góp hơn 1.000 tỷ đồng vào việc triển khai dự án này - dù chưa khẳng định hiệu quả, song dựa trên báo cáo của TISCO, vẫn kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.

Đề xuất cũng bao gồm miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng.

Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng liên tiếp chậm tiến độ do các vấn đề liên quan tới vốn và nhà thầu. Đến tháng 6/2012, do thiếu vốn nên các nhà thầu đã dừng thi công, rút quân khỏi hiện trường. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt năm 2005 là 3.843 tỷ đồng nhưng do chậm tiến độ và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế đã phải điều chỉnh tăng gấp đôi lên 8.104 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

TISCO từng thừa nhận, khó khăn vướng mắc chính là thu xếp vốn cho dự án sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Mặc dù đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa đàm phán thu xếp được vốn vay bổ sung từ phía các ngân hàng tài trợ, do vậy dự án vẫn chưa thể tái khởi động lại được.

"Hàng tháng, TISCO phải chi trả gần 30 tỷ đồng tiền lãi vay của dự án, đây là gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của TISCO và ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương và việc làm cho gần 6.000 lao động. Mặt khác vì tạm dừng thi công do thiếu vốn, toàn bộ công trường bị đình trệ, máy móc vật tư thiết bị để lâu ngày chưa lắp đặt sinh ra hư hỏng, lão hóa…”, phía TISCO cho biết.

Mặc dù còn nhiều vướng mắc, TISCO vẫn khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ và đưa dự án vào vận hành vào cuối năm 2017.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án, trong đó có phương án bán dự án, phương án bán TISCO.

Với phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, Thủ tướng yêu cầu làm rõ khả năng đàm phán với đối tác để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phương Dung