Thủ tướng nói để thiếu điện sẽ “mất chức”: Lãnh đạo Công Thương, ngành điện có lo lắng?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi được đặt ra tại buổi công công bố về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN diễn ra chiều nay (18/12).

Thủ tướng nói để thiếu điện sẽ “mất chức”: Lãnh đạo Công Thương, ngành điện có lo lắng? - 1
Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng trả lời tại buổi công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện.


Cán bộ có lo mất chức?

Tại phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề về tình hình cung cấp điện. Theo đó, Thủ tướng khẳng định: Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường.

Tại buổi công công bố về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN diễn ra chiều nay (18/12), lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến những khó khăn trong việc cung cấp điện những năm tới.

Trả lời câu hỏi của Dân trí liệu cán bộ Bộ Công Thương, ngành điện có lo lắng về “cảnh báo" mất chức của Thủ tướng, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: “Tôi tin rằng tất cả các cán bộ công tác trong ngành điện từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ công nhân viên đều quan tâm làm sao đủ điện để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân".

Theo ông Vượng, chúng ta cũng đã từng có thời điểm thiếu điện vào khoảng năm 2009, năm 2010. Lúc đó phải cắt điện luân phiên.

“Đó là thời gian khó khăn, tôi nghĩ các đồng chí ngồi đây đều trải qua. Nhưng hồi đó kinh tế -xã hội chưa phát triển, nhiều vùng chưa có điện. Giờ đâu cũng có điện rồi, có điện rồi mà bảo không có điện là rất khó chấp nhận”, ông Vượng nói.

Theo Thứ trưởng Vượng, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương, EVN đều rất lo lắng thời gian tới làm sao đảm bảo cung cấp điện.

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo trách nhiệm”, ông Vượng khẳng định.

EVN chỉ lãi mỗi số điện là hơn 4 đồng

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vượng cho biết, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727 đồng/kWh.

“Trong khi đó, EVN bán ra là 1.731 đồng/kWh. Như vậy, mỗi kWh điện chỉ lãi được 4 đồng”, ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng, năm 2018 lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%”, ông Vượng cho rằng tỷ suất lợi nhuận sau thuế như vậy là rất thấp.

“Rõ ràng với tỷ suất lợi nhuận như vậy về lâu dài, đương nhiên sẽ gặp khó khăn”, ông Vượng nhận định.

Sang năm 2020, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ đáp ứng được cơ bản điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chỉ từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ có những khó khăn, thậm chí có những năm thiếu tới 7-8 tỷ kWh.

Theo đó, Thứ trưởng Công Thương đã nêu một loạt giải pháp để giải quyết thiếu điện như: Tích cực áp dụng các biện pháp để làm sao các dự án nhiệt điện đẩy nhanh tiến độ; sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, nhập khẩu từ các nước trong khu vực; đưa vào vận hành dự án điện mới; phát triển năng lượng tái tạo…

Nguyễn Mạnh

Thủ tướng nói để thiếu điện sẽ “mất chức”: Lãnh đạo Công Thương, ngành điện có lo lắng? - 2