1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng muốn doanh nghiệp Nhật "mở hàng đầu tiên" của EVFTA

(Dân trí) - “Có thể nói, đến Nhật Bản lần này, các bạn là những nhà đầu tư mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định (EVFTA) - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và (IPA) - Hiệp định Bảo hộ đầu tư vừa ký tại Hà Nội ngày 30/6”.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam do Bộ KH&ĐT Việt Nam tổ chức sáng ngày 1/7 tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam để khai thác 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) là EVFTA và IPA.

Thủ tướng muốn doanh nghiệp Nhật mở hàng đầu tiên của EVFTA - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước hơn 1.200 doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo ngay sau khi Việt Nam đặt bút ký Hiệp định thương mại tư do với EU ngày 30/6 tại Hà Nội

Với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng lẫn nhau”, Hội nghị đã thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng vui mừng khi thấy khán phòng chật kín doanh nghiệp Nhật - Việt, điều này cho thấy “không khí đầu tư hết sức hào hứng”.

Thủ tướng nhắc việc Chủ tịch JETRO thông tin, qua khảo sát của JETRO, trên 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư mở rộng làm ăn ở Việt Nam và con số này đứng đầu khu vực các doanh nghiệp châu Á vì tính hiệu quả của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết hơn ai hết, các nhà đầu tư Nhật Bản là người thấu hiểu Việt Nam bởi đã từ rất sớm 500 năm trước, những doanh nhân Nhật Bản đã tới mở mang thương nghiệp ở Hội An (Quảng Nam) của Việt Nam.

Thủ tướng nhắc đến chuyện các nhà đầu tư Nhật đã cam kết và giải ngân đầu tư tại Việt Nam trong thời gian ngắn như NIDEC, đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao. Đồng thời, công ty này cam kết sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong lĩnh vực này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Bên cạnh đó, năm 2018, AEON đã mua khoảng 300 triệu USD hàng Việt Nam và bán tại các siêu thị của AEON tại Nhật, sẽ đầu tư 500 triệu USD.

Thủ tướng khẳng định: Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định.

Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033.

“Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nhắc đến các báo cáo của Google và Temasek về quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 9 tỷ USD, tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 so với năm 2017, có thể nói nền kinh tế Internet của Việt Nam đang bùng nổ, dự báo đến 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.

"Việt Nam có nhiều ngành có tiềm năng phát triển, Việt Nam giờ đã là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày… Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia", Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng.

Tổng giá trị đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác lên đến 8 tỷ USD chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...

An Linh