Thủ tướng: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau dự kiến 6-6,5%

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một số chỉ tiêu dự kiến đáng chú ý trong năm 2022 vừa được Chính phủ đưa ra đó là tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Sáng nay (20/10), Quốc hội chính thức phiên làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thủ tướng: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau dự kiến 6-6,5% - 1

Về kết quả kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra (Ảnh: Quốc Chính).

Báo cáo về tình hình kinh tế năm 2021, Thủ tướng cho biết ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao.

Cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm như: Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,84% so với cuối năm 2020; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 628 tỷ USD; Nợ công 43,7%GDP; Tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, dự kiến năm 2021 khoảng 9 tỷ USD; Vốn FDI thực hiện 9 tháng ở mức cao 13,28 tỷ USD (dự kiến cả năm đạt 19-20 tỷ USD).

Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Thủ tướng cho biết 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác. Bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4%GDP). Về huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35%GDP.

"Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khá; An ninh năng lượng được bảo đảm; Tiếp tục triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia", Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho hay, năm nay dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề .

"Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đáng chú ý theo báo cáo, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa đạt tiến độ. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đang đề xuất cấp có thẩm quyền xin cơ chế xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém và 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn chậm.

Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng cho biết, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực tăng trưởng.

Đồng thời, còn có các yếu tố từ bên ngoài như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn. Dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI .

Về nguyên nhân chủ quan chủ yếu, Thủ tướng chỉ rõ là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KTXH; năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế…

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng khẳng định đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; Tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là đặc biệt quan trọng; Đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tự chủ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.

Khẳng định mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng đưa ra một số chỉ tiêu dự kiến đáng chú ý trong năm 2022, đó là đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.