Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp trực tuyến 10 ngày

Quang Phong

(Dân trí) - Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp này được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Theo đó, đợt một, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương từ ngày 20/10 đến ngày 30/10. Đợt hai, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8/11 đến ngày 13/11).

"Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt hai liền mạch với đợt một để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch", ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp trực tuyến 10 ngày - 1

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp); xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến…

Theo chương trình kỳ họp, dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trả lời báo chí về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong buổi họp báo trước kỳ họp, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi 63 đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến về nội dung này. "Đến thời điểm này có 54 đoàn đại biểu Quốc hội và 23 đại biểu gửi đề nghị về Quốc hội. Chúng tôi đã có tổng hợp bước đầu có 59 nhóm vấn đề", ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, quyết định nhóm chất vấn và người trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cụ thể là tất cả các đại biểu Quốc hội cho ý kiến. "Dự kiến khoảng từ 27-28/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu. Sau khi đại biểu gửi ý kiến về thì Thường vụ Quốc hội sẽ họp, quyết định vấn đề nào sẽ đưa ra chất vấn, Bộ trưởng nào sẽ được chất vấn. Còn Thủ tướng thì đương nhiên sẽ trả lời chất vấn", Tổng Thư ký cho hay.

Ông Cường nhắc lại tiêu chí chọn vấn đề chất vấn như những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm; không chất vấn vấn đề đã có trong nghị quyết chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng… "Đến thời điểm này chưa nói được chủ đề gì và ai sẽ trả lời chất vấn", Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm.

Tại buổi họp về việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ họp thứ Hai diễn ra vào ngày 18/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu rất lớn đặt ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp là vừa cố gắng giảm thời gian làm việc (dự kiến khoảng 17 ngày so với mức trung bình một tháng cho Kỳ họp cuối năm - PV) nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng các quyết đáp của Quốc hội đối với sự phát triển của đất nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, do đó, việc Quốc hội cố gắng rút ngắn tối đa thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, bảo đảm chất lượng là yêu cầu bắt buộc, không vì quá tiết kiệm thời gian mà làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt đối với hoạt động của Quốc hội thời gian tới, đặt trong tổng thể về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội về công tác của các cơ quan nhiệm kỳ 2016 - 2021.