1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng chú trọng xây dựng niềm tin

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với ngành ngân hàng, niềm tin có vai trò hết sức quan trọng, ý nghĩa của từ “tín dụng” cũng đã thể hiện điều đó. Khi xây dựng được niềm tin thì việc điều hành thuận lợi hơn...

Sáng 5/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên gặp mặt đông đủ những người “cốt lõi nhất”, quyết định vận mệnh của hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng nhìn nhận, năm 2016 đã đi qua với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, mạch máu của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa và giá các mặt hàng thiết yếu. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Tình trạng sở hữu chéo từng bước được xử lý, hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém dần phục hồi, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền.

Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách của NHNN trong năm 2016. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ.


Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách của NHNN trong năm 2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách của NHNN trong năm 2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xử lý “điểm nghẽn” cốt lõi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng vẫn còn một số bất cập, hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo Thủ tướng, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất, nợ xấu còn cao. Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa thực chất, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Các chuyên gia ví đây là “điểm nghẽn cốt lõi” của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Kết quả xử lý nợ xấu của VAMC còn thấp do cơ chế, chính sách và năng lực của chính VAMC.

Rủi ro hoạt động tín dụng vẫn đáng lo ngại do nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đầu tư trung, dài hạn làm gia tăng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.

Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn chưa đồng đều giữa các nhóm dân cư và các tổ chức kinh tế. Đề cập đến tình trạng tín dụng đen phát triển mạnh ở vùng nông thôn xa xôi, Thủ tướng cho rằng việc tăng cường giáo dục kiến thức tài chính tín dụng cho người dân là vấn đề cấp thiết khi mà “lãi cao như thế mà vẫn lao vào vay, gây ra bao cảnh tang tóc, gia đình ly tán”. Do đó, theo lưu ý của Thủ tướng, chi nhánh NHNN các địa phương, UBND các địa phương, ngân hàng thương mại phải lưu tâm khắc phục vấn đề này.

Nhấn mạnh việc phản ứng nhanh nhạy của chính sách tiền tệ và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải nâng cao hơn nữa tính chủ động trong dự báo tình hình để có các phương án dự phòng điều hành chính sách.

Đi liền mục tiêu trên, cần chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng. “Ngay trong quý I các đồng chí phải tăng trưởng tín dụng, đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn”, Thủ tướng nói. “Năm nào chúng ta cũng bị cái này”.

Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề về cơ cấu tín dụng. Đó là chú trọng những ngành, lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, xuất khẩu như nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, chương trình khởi nghiệp quốc gia. Lưu ý thứ hai là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn trên 5.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đề nghị đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách và đổi mới cơ chế triển khai, hạn chế xin - cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. NHNN cần hướng tới việc xây dựng cơ chế minh bạch hóa lãi suất, tránh việc doanh nghiệp và người dân khi vay, khi gửi tiền không biết thực tế lãi suất áp dụng thế nào. Các ngân hàng thương mại nên có gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao.

Ngành ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy định pháp lý nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, nhất là về quy trình, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, quyền của chủ nợ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay.

Xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu gia tăng. Bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản

Đặc biệt, tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý ngành ngân hàng phải xây dựng niềm tin, không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản.

Trong đó, ngành ngân hàng phải phấn đấu là ngành đi đầu trong việc hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. “Đối với ngành ngân hàng, niềm tin có vai trò hết sức quan trọng, bản thân nghĩa của từ “tín dụng” cũng đã thể hiện điều đó”, Thủ tướng nói.

Cho rằng hoạt động ngân hàng từ việc gửi tiền, cấp tín dụng đều hàm chứa niềm tin trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN coi trọng công tác truyền thông, xây dựng niềm tin bởi khi xây dựng được niềm tin thì việc điều hành thuận lợi hơn. Không có niềm tin của công chúng thì chính sách khó thành công hoặc nếu thành công thì tốn kém rất nhiều chi phí và nguồn lực.


Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Thống đốc NHNN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Thống đốc NHNN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Vừa qua, khi xem xét cơ cấu, tổ chức của NHNN, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Vụ Truyền thông để thực hiện nhiệm vụ đó”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, để làm tốt công tác truyền thông thì vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và các phóng viên ngoài ngành ngân hàng rất quan trọng. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần phối hợp tốt với NHNN để tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về chính sách tiền tệ cũng như chính sách kinh tế vĩ mô, để người dân không ngại đi vay tiền đầu tư nếu đầu tư đó có hiệu quả.

Nguyễn Hiền (ghi)