Thủ tướng mong doanh nhân “làm giàu văn minh”

(Dân trí) - Khẳng định, với việc thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”, Chính phủ làm hết sức mình để các doanh nghiệp có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội.

Phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập – Phát triển” diễn ra tối qua (11/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Hiện Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng qua có hơn 91.000 doanh nghiệp mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.

“Chúng ta phải phấn đấu để đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ.
Thủ tướng: Không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.

“Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Ngày nay quốc gia nào có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động, sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.

“Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh.

Và để cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Theo đó, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe thường xuyên.

Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ, chặng đường cải cách còn rất gian nan. Để lời nói có thể thành hành động, để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao.

Thủ tướng và Chính phủ đã thắp lửa, nhưng việc truyền lửa tới mọi cấp chính quyền, để sức nóng và sự thôi thúc của cải cách có thể đến được chị văn thư, anh bảo vệ chốn công quyền nơi cơ sở, để tinh thần vì dân và doanh nghiệp phải trở thành văn hóa và hành vi hàng ngày của họ là việc không mấy dễ dàng”, ông Lộc nhận định.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” mà Thủ tướng phát động hôm nay sẽ là một phong trào thiết thực tiếp lửa cho chương trình nghị sự cải cách của Nghị quyết 35.

Ba đồng hành của Chính phủ, chính quyền các cấp với doanh nghiệp:

1- Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2- Đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

3- Đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe thường xuyên.

Năm hỗ trợ với doanh nghiệp:

1- Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; 2- Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; 3-Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; 4 - Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; 5- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Bích Diệp