Thủ tướng: Mỗi đồng vốn đầu tư là phiếu ủng hộ, chung tay phát triển Việt Nam

(Dân trí) - Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến về cải cách, phát triển Việt Nam của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước và khẳng định: “Mỗi đồng vốn đầu tư của các DN còn là phiếu ủng hộ, nguồn động viên Chính phủ, cùng chung tay phát triển Việt Nam”.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Trong suốt 20 năm qua, VBF luôn đồng hành với chính phủ nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh, phát triển DN, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam 2017 (ảnh VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam 2017 (ảnh VGP)

"Cộng đồng DN Việt nam ngày càng trưởng thành, mạnh lên bằng tiềm lực, đưa tăng trưởng cao liên tục. GDP hiện nay đã tăng gấp 8 lần, từ chỗ chỉ đạt 27 tỷ USD năm 1997 đến nay 2017, quy mô GDP đã đạt 220 tỷ USD, phấn đầu 2030 đạt 300 tỷ USD. Với sức vóc của mình, DN tại Việt nam ngày càng đưa ra nhiều kiến nghị, sáng kiến hay ở tầm vĩ mô, vi mô ngày càng to đẹp, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để Việt Nam phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại các con số tăng trưởng cao, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là niềm tin, sự hứng khởi giúp tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa trong toàn xã hội.

Điểm qua các đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam do các tổ chức tài chính đa phương thế giới công bố mới đây, Thủ tướng vui mừng và đánh giá cao vì trong đó có góp công lớn của DN.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Việt Nam còn phải làm nhiều việc để cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới nằm trong nhóm đầu ASEAN, kết hợp chặt chẽ FDI và DN trong nước tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phấn đấu bằng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).

"Còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực sáng tạo của Chính phủ và DN để biến khó khăn thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, thời cơ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đã và đang thay đổi mọi mặt của đời sống, đưa cơ hội để chúng ta đi tắt đón đầu và ứng dụng gia tăng giá trị phát triển. Tuy nhiên, nó cũng là thách thức nếu chúng ta bỏ qua, không đón nhận.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng: Cách mạng 4.0 là xu hướng mới tác động tới mọi phương thức kinh doanh mới, cụ thể sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay là 10% dân số, nhưng dự báo năm 2035 tỷ lệ này sẽ đạt 50%, điều này thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, DN cần năng động đón đầu xu hướng ấy

Việt Nam có tỷ lệ dân số có kết nối internet đứng thứ 5 châu Á, kết nối di động với hoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Năm 2020 sẽ có 8/10 người sử dụng điện thoại di động giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng đón nhận cơ hội kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định: Xu hướng thay đổi công nghệ, toàn cầu hóa là cơ sở để thay đổi quản lý của chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo, thúc đẩy cạnh tranh. Động lực tăng trưởng mới đến từ sáng tạo và phát kiến sáng chế. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó.

Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính minh bạch. Cộng đồng DN vừa là động lực vừa là phương tiện để Chính phủ thực hiện tầm nhìn và ước vọng của mình.

Chính phủ trân trọng chào đón các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng nói không với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động bất hợp pháp, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lương...

“Chính cộng đồng DN là người định hình diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Họ cũng là động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam và Chính phủ đóng vai trò kiến tạo thực hiện mục tiêu đó", Thủ tướng nói.

Nguyễn Tuyền