Thủ tướng: Làm sao để nước ngoài không thôn tính những ngành quan trọng của Việt Nam?

(Dân trí) - Đây là một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra sáng nay (3/4). Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, mặc dù có những chuyển biến tích cực, đồng bộ nhưng tăng trưởng kinh tế quý I vẫn chỉ đạt mức thấp, cần phải khắc phục.

Cổng thông tin của Chính phủ đưa tin, sáng nay (3/4/2017), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2017. Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận, điều đáng mừng là kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại trong tháng 3 và quý I có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ; có nhiều gương sáng, nhiều mô hình tốt trong "vườn hoa phát triển".

Tăng trưởng GDP quý I mới chỉ đạt 5,1%, theo Thủ tướng, đây là một thực trạng đáng lo lắng (ảnh: VGP)
Tăng trưởng GDP quý I mới chỉ đạt 5,1%, theo Thủ tướng, đây là một thực trạng đáng lo lắng (ảnh: VGP)

Cụ thể, kinh tế vĩ mô được đánh giá là ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng chỉ tăng ở mức tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%.

Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh với trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký. Đặc biệt, tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một thông tin vừa công bố sáng nay cũng cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng trong tháng đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với 51 trong số 63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, trước các lãnh đạo bộ ngành, Thủ tướng cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo lắng, đó là tăng trưởng GDP quý I mới chỉ đạt 5,1% - theo người đứng đầu Chính phủ, đây là mức tăng trưởng thấp. Nguyên nhân được cho biết do khai thác dầu, công nghiệp chế tạo chưa đạt kế hoạch. Thủ tướng yêu cầu cần phải có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn trong từng ngành hàng, lĩnh vực, để từ đó khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm đầu năm.

Bên cạnh đó, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I chỉ tương đương mức 32% GDP, Thủ tướng nhìn nhận, mục tiêu huy động vốn xã hội tuy đặt ra quyết liệt nhưng vẫn chưa cao, cần khắc phục. Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, chưa có doanh nghiệp lớn bán vốn, thoái vốn, cổ phần hóa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đến những mối tiềm ẩn khó định trong diễn biến kinh tế quốc tế có thể ảnh hưởng lớn đến nước ta, như chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp; đồng thời gia tăng sức ép lên lạm phát và tỷ giá.

Thủ tướng đặt vấn đề: "Có thể tăng vốn đầu tư xã hội thêm 3% lên 35% GDP có được không? Làm sao để nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam? Làm sao phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất? Làm sao công nghiệp khai thác được đẩy mạnh, cơ chế nào?".

Và theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới còn nhiều phức tạp, Việt Nam cần phải nâng cao tăng trưởng, kiềm chế lạm phát thì mới đảm bảo các cân đối vĩ mô như ngân sách Nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân.

Bích Diệp (ghi)