Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tăng rót vốn vào Việt Nam
(Dân trí) - Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư yên tâm và tăng rót vốn vào Việt Nam và cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự
Tại phiên đối thoại Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2024 lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng rót vốn vào Việt Nam vì có cơ chế thông thoáng, hạ tầng đang phát triển, con người và quản trị thông minh.
"Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai", Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong điều kiện hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất quan trọng và mang tính đột phá vì nguồn lực bên trong có hạn.
Từ đầu năm tới nay, FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút 21 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. "Như vậy, việc thu hút của chúng ta có hiệu quả", Thủ tướng nhận xét.
Theo người đứng đầu Chính phủ, để thu hút tốt FDI phải tập trung 3 vấn đề chính. Thứ nhất, thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.
Thứ hai, hạ tầng thuận tiện, thông suốt, kéo giảm chi phí logistics từ mức 17-18% GDP xuống 11-12% GDP như các nước tiên tiến. Cuối cùng là đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Việt Nam có nhiều điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách, điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực và năng lượng.
Với năng lượng, đường dây 500 kV mạch 3 đang tăng tốc triển khai để không thiếu điện cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết đang sửa toàn diện Luật Điện lực theo hướng thu hút được tất cả nguồn lực xã hội trong việc phát triển nguồn điện trên tinh thần để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, dài hạn, đảm bảo thu hút vào các hoạt động sản xuất đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như đời sống của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng một nước muốn phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì kinh tế nước đó phải ổn định và phát triển.
Việt Nam đang làm rất tốt việc này, nhất là sau đại dịch Covid-19 khi vừa kiểm soát được lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy được tăng trưởng, vừa giữ được ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế về năng lượng, lao động, thu chi ngân sách, lao động, xuất nhập khẩu...
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng phải có nền tảng vững chắc thì mới thực hiện được các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; mới có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.