Thủ tướng có chỉ đạo mới về quản lý thị trường vàng

Phương Liên

(Dân trí) - Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 06 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết. Ngân hàng Nhà nước được giao tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý I.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 ngày 15/2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để phù hợp tình hình mới.

Trước đó, ngày 28/12, Thủ tướng ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước.

Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Thủ tướng có chỉ đạo mới về quản lý thị trường vàng - 1

Vàng miếng SJC (Ảnh: Thành Đông).

Chỉ thị 06 nêu rõ dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Cơ quan này được giao tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đơn giản thủ tục, tạo điều kiện tiếp vận vốn của doanh nghiệp và hạ tiếp lãi suất vay, hạn chế tín dụng đen.

Bộ Tài chính cũng được giao quản lý chặt các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách. Bộ này cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xử lý các vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6.

Bộ Công Thương được giao theo dõi tình hình vận tải hàng quốc tế qua Biển Đỏ, đề xuất giải pháp giảm chi phí vận chuyển, tránh ngưng trệ hàng xuất khẩu và không để thiếu hàng, nhất là xăng dầu, gây bất ổn thị trường.