Thủ tướng chỉ lối "con đường ngắn nhất" cho doanh nghiệp nhỏ
(Dân trí) - "Cho dù những cái bắt tay giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu", Thủ tướng góp ý với cộng đồng doanh nghiệp.
Sáng nay (3/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam.
Thủ tướng ghi nhận, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội DNNVV Việt Nam với vai trò đại diện, đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền.
Chiếm lĩnh thị trường trong nước, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Với số lượng chiếm đa số (trên 97%), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30 % giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, Hiệp hội là tổ chức thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau phát triển. Để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên chứ không phải là đơn thuần thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính xơ cứng. Đồng thời, Thủ tướng gợi mở 3 vấn đề để Hiệp hội trao đổi và đề ra chương trình hành động của mình.
Thủ tướng cho rằng, các DNNVV cần phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn. Cả nước hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp. Trong 11 tháng năm 2016, đã có 102.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 798.000 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ có thêm 1 triệu doanh nghiệp.
Song, theo Thủ tướng, cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội, không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng, thể hiện qua việc các thành viên phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với đó, các DNNVV của Việt Nam cần phải tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Thủ tướng dẫn kết quả khảo sát cho hay, hiện nay chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.
"Cho dù những cái bắt tay giữa DNNVV Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Vấn đề đầu tiên là phải khao khát và quyết tâm, phải chủ động tìm hiểu, chọn chiến lược thâm nhập, không thụ động đợi khách hàng, sẵn sàng đầu tư đổi mới công nghệ thích ứng. Gia nhập chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia cũng chính là hướng đi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta", Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, DNNVV cũng cần góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn - đây là một chủ trương và là nhiệm vụ chính trị to lớn.
Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần 2
Tại đại hội, người đứng đầu Chính phủ lưu ý rằng, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đặc trưng bởi công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Dự báo nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp. Ví dụ ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp.
Ước tính Việt Nam chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.
"Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4?", Thủ tướng cho rằng, đây là câu hỏi lớn mà Hiệp hội cùng các thành viên cần đưa ra câu trả lời.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức.
Bích Diệp