1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng “chấm điểm” đổi mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước

(Dân trí) - Sáng nay (16/10), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Người đứng đầu Chính phủ sẽ đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp, kết quả làm ăn kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN.

Tham dự cùng Thủ tướng và giữ vai trò điều hành Hội nghị là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Bộ Tài chính cho biết, DNNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đã và đang trực tiếp nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối được một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; đóng vai trò quan trọng trong chính sách định giá, điều tiết giá hoặc bình ổn giá của Nhà nước.

Thủ tướng “chấm điểm” đổi mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Từ năm 2016 đến tháng 9/2019, về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020”.

Các DNNN thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại Thông báo số 39/TB-VPCP…

Đến nay, về cơ bản đã đạt được mục tiêu chuyển đổi phần lớn các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản lý; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính cho rằng, tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm; việc triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.

Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt tại một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình hình trên do nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các DNNN theo Quyết định số 707/QĐ-TTg và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo như cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.

"Trong quá trình tổ chức thực hiện của một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước." - Bộ Tài chính nhấn mạnh.  

Tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DNNN còn yếu kém, chưa hiệu quả, bộ máy trì trệ, nhân sự không đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên việc xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại tại các doanh nghiệp này chưa có nhiều nội dung mang tính đột phá...

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm