Ông Nguyễn Văn Bình:
Quản trị doanh nghiệp nhà nước kiểu... "sửa mãi, chắp vá mãi sao được"
(Dân trí) - " Qua theo dõi 3 năm gần đây, cơ bản quản trị của doanh nghiệp Nhà nước chưa có gì thay đổi về cơ bản. Hướng dẫn sửa chỗ nào thì mới sửa mỗi chỗ đó. Nhưng sửa mãi mà không có thay đổi toàn diện quản trị đi thì lại nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao?"
Đây là thực trạng về quản trị của doanh nghiệp Nhà nước được ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đưa ra tại Hội nghị sơ kết đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương mới được tổ chức tại Hà Nội.
Theo Trưởng ban Nguyễn Văn Bình: Nghị quyết 12-NQ/TW được Hội nghị trung ương 5 của Đảng đưa ra mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước nói rõ phải có thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính để doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, qua theo dõi 3 năm gần đây, cơ bản quản trị của doanh nghiệp Nhà nước chưa có gì thay đổi.
"Hướng dẫn sửa chỗ nào thì mới sửa mỗi chỗ đó. Nhưng sửa mãi mà không có thay đổi toàn diện quản trị đi thì lại nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao?", Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói.
Theo ông Bình, thời gian vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân mơ ước được có cơ chế như doanh nghiệp Nhà nước (về các lợi thế thị trường, đất đai...). Nhưng hỏi doanh nghiệp Nhà nước, họ lại bảo chhúng tôi mơ ước được thoải mái như doanh nghiệp tư nhân.
Ông này khẳng định: Thực tế, những mong mỏi trên của cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước đều đại diện cho chỗ đứng, cách nhìn và cái dễ, cái khó của mỗi người.
Ông Bình cho rằng, tư nhân mong được có nguồn lực, tài nguyên của doanh nghiệp Nhà nước, còn Nhà nước có nguồn lực, nhưng lại mong được như tự do làm cái mình thích, có lợi như tư nhân mà không phải gánh vác trách nhiệm xã hội, thu hẹp bất bình đẳng...
Cũng tại Hội nghị ông Phạm Xuân Cảnh, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng: Có nhiều chính sách của trung ương đưa ra về cải cách vực này, song bản thân doanh nghiệp Nhà nước cần tự chỉnh đốn mình để xứng đáng với vai trò của mình.
Ông Cản nói: "Nếu chúng ta không kịp thời, khẩn trương để tháo gỡ vấn đề tồn tại sẽ có tội, có lỗi là không khẳng định được chính mình là mũi nhọn của kinh tế đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng không phát, không xứng đáng với vai trò, vị trí của mình".
Đại diện PVN cho rằng, nếu doanh nghiệp Nhà nước mãi dậm chân, không thay đổi thì hệ quả chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm tới.
Theo báo cáo của Hội nghị, hoạt động của các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp trung ướng tính đến hết tháng 6/2019, đạt tổng doanh ước 855,63 nghìn tỷ đồng, tăng 6%
Lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối ước đạt 64,35 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực đều có doanh thu tăng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp ước đạt 520,58 nghìn tỷ đồng; thương mại, dịch vụ 196,89 nghìn tỷ đồng; giao thông vận tải ước đạt 61,48 nghìn tỷ đồng; xây dựng, bất động sản ước đạt 25,01 nghìn tỷ đồng..
Mức thu nhập bình quân đầu người/tháng cao nhất là tại nhóm các ngân hàng (từ 21 - 33 triệu đồng), mức thấp nhất là tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (6- 9 triệu đồng).
An Linh