1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Cần nghiên cứu đặc khu kinh tế để có mô hình tăng trưởng mới

(Dân trí) - Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Kinh tế trung ương sáng 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ quan này tiếp tục nghiên cứu, tư vấn cho Bộ Chính trị, Chính phủ về các mô hình đặc khu trên thế giới và áp dụng cho Việt Nam để chúng ta có mô hình tăng trưởng mới.

Tại hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay 17/1, Thủ tướng nhắc lại chính sách xây dựng đặc khu tại Việt Nam. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết: Đặc khu Kinh tế trong thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng vào nhóm các quốc gia phát triển. 

Thủ tướng: Cần nghiên cứu đặc khu kinh tế để có mô hình tăng trưởng mới - 1

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Kinh tế trung ương năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

“Thời thế mới, các mô hình đặc khu phải như nào? Có mô hình nào mà chúng ta có thể áp dụng để tìm ra mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta?”, Thủ tướng đặt câu hỏi với Ban Kinh tế, cơ quan tham mưu cho Đảng, Bộ Chính trị về đường lối kinh tế.

Thủ tướng đặt câu hỏi đối với Ban Kinh tế: “Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Năm trước, do những cuộc biểu tình, bạo loạn chống phá khi Dự thảo Luật Đặc khu được đưa ra vì chưa truyền thông tốt. Sắp tới, cần tiếp tục nghiên cứu thêm những mô hình đặc khu trên thế giới. Ban Kinh tế cần tư vấn, nghiên cứu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ về vấn đề này”, Thủ tướng nhắc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng nêu ra hàng loạt vấn đề, khó khăn và thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt năm 2020 và đề nghị Ban Kinh tế trung ương có nghiên cứu sớm, đề xuất với Chính phủ, Bộ Chính trị những cách làm tốt, sáng kiến.

“Độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn nhưng chất lượng và năng suất chưa cao; biển đổi khí hậu, bất ổn trên toàn cầu và khu vực cũng như bất cập của một nền kinh tế mới đòi hỏi Ban Kinh tế và các bộ, ban ngành đoàn kết cùng nhau vượt khó”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang có cơ hội và cả thách thức khi đang trong thời kỳ dân số vàng - (dân số đang trong độ tuổi lao động). “Làm sao tận dụng cơ cấu dân số vàng, phát triển mạnh hơn tầng lớp trung lưu tạo động lực quan trọng phát triển đất nước. Hiện 15% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, sắp tới chúng ta phải phấn đấu biến tầng lớp này là 30-50%/100 triệu dân, nhiệm vụ rất lớn nhưng thời cơ cũng rất nhiều”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, thế giới đang đi sâu vào Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp và vận dụng nó để đi cùng với các nước, giảm khoảng cách phát triển.

Ông lấy ví dụ: Tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc, ông chủ chuỗi bán lẻ Alibaba cũng làm giàu từ kinh tế số, ban đầu cũng chỉ phát triển thương mại điện tử. Việt Nam có phần lớn người trẻ dùng điện thoại thông minh, song chúng ta chưa tận dụng được tài nguyên này để phát triển thương mại điện tử.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nền kinh tế đang tồn tại nhiều nút thắt lớn, trong đó nút thắt lớn nhất vẫn là tư duy.

"Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì có thay đổi cơ chế kinh tế cũng chỉ là "bình mới rượu cũ", không có đột phá”, Thủ tướng nhắc.

Ông ví dụ: “Không có địa phương yếu kém, chỉ có địa phương không biết làm việc, ỷ lại vào khó khăn, không có tinh thần năng nổ quyết tâm thì khó thực hiện”. 

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Nhiều địa phương có  điều kiện khác nhau nhưng phấn đấu quyết liệt, tiến bước mạnh như Trà Vinh, Bạc Liêu, Quảng trị. Tôi đề nghị các đồng chí năng động, sáng tạo và quyết liệt, Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương luôn lắng nghe để giải quyết tốt nhất”.

Nguyễn Tuyền 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm