Thứ trưởng Công Thương nói về "cái khó" mỗi khi Nghi Sơn "làm mình làm mẩy"
(Dân trí) - Nghi Sơn là liên doanh của PVN, Nhật Bản, Kuwait, tuy nhiên, phía Việt Nam chỉ chiếm 25,1% nên tiếng nói ở mức nhất định. Hơn nữa, dù cung cấp lượng xăng dầu lớn, Nghi Sơn thường xuyên gặp trục trặc.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 18/5, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Trước đó, có thông tin nhà máy này đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động vì không đạt thỏa thuận tái cấu trúc nợ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), cho biết NSRP đóng góp 35-40% nguồn cung xăng dầu trong nước. Trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng tháng 4 là 670.000-680.000 tấn.
Hiện tại, giữa tháng 5, nhà máy vẫn vận hành ổn định. NSRP khẳng định trong các tháng tiếp theo sẽ sản xuất theo đúng kế hoạch đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Về vấn đề thiếu hụt dòng tiền, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến Nghi Sơn và các bên nước ngoài góp vốn tại dự án và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về việc tái cấu trúc nhà máy. Bộ này cho rằng đây là vấn đề nội tại của doanh nghiệp và thuộc trách nhiệm của Nghi Sơn và các bên tham gia góp vốn. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của PVN phải báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, chỉ đạo.
Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh công ty liên doanh của NSRP cần chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo nhà máy hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Nghi Sơn là liên doanh của PVN, Nhật Bản, Kuwait. Tuy nhiên, phía Việt Nam chỉ chiếm 25,1% nên tiếng nói ở mức nhất định. Bộ Công Thương chỉ là cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực dầu khí.
"Trước hết đây là vấn đề nội tại của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, còn Chính phủ, Bộ ngành chỉ tham gia theo thỏa thuận đã cam kết. Đây là điểm khó trong việc xử lý, và khó nhất là nhà máy chiếm đến 35-40% thị phần nhưng trong một năm có tới 35-45 ngày bảo trì, bảo dưỡng, không kể những trục trặc về kỹ thuật. Từ khi bắt đầu đưa vào sản xuất, nhà máy thường xuyên không ổn định", ông Hải nói.
Thứ trưởng cũng cho rằng dù Nghi Sơn thường xuyên gặp trục trặc, chúng ta lại phải cam kết ưu tiên tiêu thụ sản phẩm tại nhà máy này. Bộ Công Thương khẳng định sẽ bám sát tình hình của nhà máy, cố gắng đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước đó, vào cuối tháng 4, NSRP có báo cáo khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN trước rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính. Cụ thể, nếu không thể tái cấu trúc tài chính thành công, NSRP cho rằng sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5 cho các bên cho vay, cũng như có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy.
Trường hợp giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn. Việc phải đóng cửa nhà máy lọc dầu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và khiến NSRP không thể cam kết cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước như cam kết.