Thú thưởng trà ngàn đô của "Vua lan Hà thành"
Với tôi, lan và trà luôn song hành. Tôi có để đi khắp thế giới để tìm lan, thì với trà, tôi cũng chẳng ngại băng rừng, vượt suối lên “đỉnh trời” hàng ngàn mét để tận mắt chứng kiến những rừng chè ngàn năm tuổi. Có lần, tôi còn bỏ ra gần 60 triệu đồng (khoảng 3 ngàn USD) để thửa riêng loại trà mà mình thích.
Đó là tâm sự của anh Trần Tuấn Anh - người được mệnh danh là “Vua lan đất Hà thành” khi nói về lan và trà.
Yêu trà cũng giống như yêu lan
Anh Tuấn Anh kể, anh biết ươm giò lan đầu tiên năm 1976. Năm 1997, anh bén duyên với lan và bắt đầu nghề kinh doanh lan để thỏa được sự đam mê và tìm hiểu về các loại hoa lan.
Từ đó đến nay, Tuấn Anh đã đi khắp rừng núi Việt Nam, sang cả Indonesia, Nam Phi để săn tìm lan. Nhờ những chuyến đi như thế mà anh đã kiếm tìm và sưu tập được đủ các loại hoa lan khác nhau, trong đó có rất nhiều loại thuộc hàng quý hiếm. Song, khi đi tìm hiểu về lan, tình yêu dành cho trà trong anh cũng đã bắt đầu nảy sinh.
“Mỗi khi đi lên rừng kiếm lan tôi đều dành thời gian tìm hiểu về các loại trà ở vùng đó. Nhiều khi tôi còn ở lại mày mò tìm hiểu về quy trình làm trà để thỏa mãn sự đam mê”, anh Tuấn Anh nói.
Có lần anh sang Đài Loan thấy dân trồng chè phủ lưới đen lên trên những cây trà nhưng không hiểu họ làm vậy nhằm mục đích gì. Sau đó, anh tự tìm hiểu và biết được họ làm thế để cây trà tránh phải tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời. Hay tại sao trà Thái Nguyên lại có vị chát đến vậy. Đó là bởi cây trà đón được quá nhiều tia nắng mặt trời.
“Qua mỗi lần như vậy tôi đều được uống một tý, tìm hiểu một tý và biết thêm được một tý”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Khi hỏi về những loại trà mà anh biết, anh Tuấn Anh chỉ cười và nói: “Nhiều loại lắm tôi không thể nhớ hết được. Chỉ nhớ, dù ở trong nước hay ra nước ngoài,... nếu có cơ hội tôi phải dành thời gian để tìm hiểu và thử trà ngon. Tuy nhiên, tôi vẫn ấn tượng nhất với cánh rừng trà trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hoàng Sù Phì, Hà Giang). Ở đây có những cây trà cổ thụ lên đến hàng ngàn năm tuổi".
Theo anh Tuấn Anh, trà ở vùng Tây Côn Lĩnh là loại trà ngon nhất, có hương vị thơm ngon đặc trưng khiến anh cũng phải xiêu lòng.
Bỏ hàng vài ngàn đô thửa trà riêng cho mình
Anh Tuấn Anh cho hay, mặc dù đi khá nhiều nơi, biết được rất nhiều loại trà, nhưng trong nhà anh chỉ có khoảng chục loại trà được anh yêu quý nhất.
Pha mời khách một loại trà đặc biệt, anh Tuấn Anh khoe: “Đây là bạch trà, loại cực kỳ đặc biệt bởi nước trà luôn có màu trắng, nhưng khi uống mình vẫn có thể thấy được hương vị của trà”. Theo anh Tuấn Anh tiết lộ, loại bạch trà mà tôi vừa thưởng thức hiện trên thị trường không có bán, anh phải thửa riêng (đặt làm) để về uống.
“Thế nên, mỗi lần tôi muốn mua bạch trà thường phải liên hệ đặt hàng trước một tuần với số lượng lấy hàng vài kg một lần cho bõ công”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tất cả các loại trà có trong nhà anh bây giờ đều là những loại trà anh đặt làm riêng. Ví như: Bạch trà loại 1, loại 2; hồng trà, trà Tây Côn Lĩnh, trà tốt,... Anh Tuấn Anh thừa nhận, nhiều loại trà anh tự đặt tên theo cách mình cảm nhận được hương vị về nó chứ không thích những cái tên đã được thương mại hóa.
Anh cho biết, 1kg trà anh đặt làm đều có giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng/kg. Mà mỗi lần anh đặt, số lượng trà cũng thường phải từ 10-20kg. “Như hôm vừa rồi, tôi bỏ ra gần 60 triệu đồng để đặt mua mấy loại trà về uống vì số lượng trà trong nhà đã gần hết”, anh nói.
Chia sẻ về cách pha trà cũng như cách nhận biết một loại trà ngon, anh liền bật mí, trà ngon phải có ấm pha phù hợp. Theo kinh nghiệm của anh, các loại trà được pha vào ấm gốm sứ (đặc biệt là ấm Tử Sa) sẽ cho trà ngon nhất.
Khi pha cũng cần lưu ý đến số lượng khách để chọn ấm và cho số lượng trà vào ấm phù hợp. Đặc biệt, tùy vào loại trà mà chọn nhiệt độ nước sao cho thích hợp. Ví như bạch trà được làm từ những tôm non nên chỉ cần dùng nước nóng khoảng 90 độ C, không cần tráng qua nước sôi bởi loại trà này rất sạch. Rót nước sôi vào đợi vài giây là phải rót ra chén tống để nước trà được thơm ngon, tránh chuyện chén đầu thì nhạt, chén sau thì đặc quá.
Anh cho hay, nước trà ngon không nhất thiết phải có màu xanh, với anh trà có nước màu vàng, màu hơi đỏ cũng vẫn ngon bình thường. Song, nếu pha nước nóng quá, ủ trà lâu quá, pha đặc quá thì nước trà sẽ bị nồng, khi đó ấm nước trà coi như bỏ đi.
Trà ngon, người uống sẽ cảm nhận được hương thơm, nhấp một ngậm thêm vài giây trong miệng sẽ cảm thấy vị ngọt của cỏ cây đọng lại trong lưỡi. Tinh tế nhất, nếu là trà ngon khi uống sẽ cảm nhận được vòm họng, lưỡi có cảm giác xù bông, tơi ra rất đặc biệt trong cả một ngày trời.
Theo Bảo Hân
VEF